Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi suy nhược với khối u sùi hơn chiếm hơn nửa lưỡi. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh bị ung thư lưỡi giai đoạn muộn di căn hạch vùng cổ. Cắt bỏ phần lưỡi hỏng là cách duy nhất để bệnh nhân thoát khỏi đau đớn đồng thời có thể ăn uống.
Các bác sĩ đã phải mất 8 giờ để cắt và tái tạo lưỡi cho bệnh nhân. Ảnh: K.P |
Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ. Các bác sĩ cắt bỏ phần lưỡi bị ung thư hủy hoại, sau đó dùng vạt da tự do vùng mặt trước cẳng tay của chính bệnh nhân để tái tạo lưỡi.
“Chúng tôi dùng kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh để nối phần da tay vào phần lưỡi còn lại. Lưỡi tái tạo sẽ nối với động, tĩnh mạch mặt ở vùng cổ để được nuôi sống. Dây thần kinh cảm giác cũng được nối, nhờ thế bệnh nhân sẽ nhanh chóng lấy lại các chức năng nuốt, nói và quan trọng hơn, sẽ có cảm giác ở phần lưỡi vừa tái tạo”, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV nói.
Đến sáng nay, sau hơn 2 tuần điều trị, ông Thông đã có thể cử động lưỡi linh hoạt, nói chuyện và ăn uống tốt. Bệnh nhân vẫn sẽ phải dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn của các bác sĩ. Bác sĩ Đại cho biết, y văn thế giới ghi nhận các bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật lấy bỏ u, tái tạo lưỡi, xạ trị sau mổ, kết quả cho thấy tỷ lệ vạt da bị hoại tử là rất thấp. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi được phục hồi đáng kể.
Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư thường gặp ở khoang miệng. Ban đầu, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nên rất dễ bị xem nhẹ. Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính thường gặp vùng khoang miệng, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi.
Theo Hội Ung thư học Mỹ, 25-30% các trường hợp ung thư khoang miệng xuất phát ở lưỡi. Ung thư lưỡi thường xảy ra đối với bệnh nhân hút thuốc, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém. Biểu hiện là vết loét hoặc sùi không đau, thường gặp xuất hiện ở vùng cạnh lưỡi. Nếu điều trị thuốc không thuyên giảm, trong vòng ba tuần, sang thương cần phải được làm sinh thiết nhằm phát hiện sớm. Bệnh này thường tiến triển sùi, loét tại chỗ, di căn hạch tại vùng, ít di căn xa.
Đối với bệnh ung thư lưỡi, phẫu thuật cắt lưỡi bao gồm khối u là lựa chọn điều trị thông thường nhất. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật lấy bỏ hạch cổ cùng bên ung thư hoặc cả hai bên là cần thiết. Nếu khối ung thư lưỡi lớn xâm lấn rộng, phẫu thuật sẽ bao gồm cả việc cắt bỏ sàn miệng và xương hàm dưới.
Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đây là kỹ thuật khó, không dễ thực hiện vì đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn của đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao.
Thiên Chương
* Tên bệnh nhân đã thay đổi