Ngồi trên giường bệnh ở Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đôi mắt thẫn thờ, anh Chiến cất từng câu đứt quãng, khó mở lòng. Cô em gái ngồi cạnh liên tục động viên "Anh phải cười, nói nhiều, suy nghĩ thoáng mới nhanh khỏi bệnh được". Người anh cũng chỉ ậm ờ.
Anh Chiến là người trầm tĩnh, ít nói, hay mất ngủ. Là nhân viên dầu khí với mức lương khá ổn, anh vẫn luôn lo lắng, sợ mình không đáp ứng công việc, bị luân chuyển đi nơi khác. Cách đây 4 tháng người đàn ông tứ tuần bắt đầu có triệu chứng mất ngủ, nhiều hôm phải dùng thuốc ngủ mới thiếp được một chút. Tình trạng này ngày một trầm trọng hơn.
Anh nói: "Tôi đành xin nghỉ không lương, mong sao bớt áp lực sẽ ngủ được. Nhưng ở nhà tôi còn suy nghĩ nhiều hơn, không thể dục, không tiếp xúc với người ngoài, luôn nghĩ mình là gánh nặng của vợ con. Một tháng trở lại đây, những cơn bồn chồn, bứt rứt cứ đeo đuổi trong tâm trí khiến tôi không tìm được lối thoát".
Theo cô em gái, anh Chiến vốn rất ngoan, hiền, sống mẫu mực. "Trong khi người ta đi làm về là bù khú với bạn bè, anh ấy chỉ biết đến vợ con, mong xong việc để về đón con rồi tắm cho hai đứa bé. Có thể nếu anh ấy sống thoải mái, bớt lo nghĩ, quậy một chút giống người ta thì sẽ không đến nước này".
Bác sĩ Dương Minh Tâm - Viện sức khỏe tâm thần - người trực tiếp điều trị cho anh nói: "Do áp lực không hoàn thành công việc (dù thực tế có hay không) khiến bệnh nhân này suy nghĩ, lo lắng mà không chịu giải tỏa, tìm cách khắc phục. Lâu dần sinh ra khó ngủ, trầm cảm. Anh ấy đã dùng dây thắt cổ tự vẫn, may được gia đình phát hiện và đưa vào viện điều trị.
Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do áp lực công việc tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Ảnh: Phan Dương. |
Cách đây vài ngày anh Hào (43 tuổi), làm hành chính trong một công ty nhà nước ở Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng hoảng loạn đến mức tự sát nhiều lần.
Nhập viện một tuần nhưng tình trạng của anh vẫn chưa khá lên. Hễ có ai qua lại, hỏi thăm anh đều tìm cách lảng tránh, cuộn mình trong chăn hay co cụm về một góc. Anh nói nhỏ tới mức phải ghé sát mới nghe được.
Chị vợ ngồi bên thổi cháo cho chồng, rồi bảo anh nói "A", hệt như anh là đứa trẻ. "Từ ngày yêu nhau anh đã khó ngủ. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, với những thay đổi nhỏ trong nhân sự, tiền lương của công ty khiến anh lo lắng, mất ngủ kinh niên, phải dùng thuốc ngủ mới ngủ được", chị nói.
Cơ quan của anh Hào cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự. Là một người làm hành chính lâu năm, mọi công việc đều xử lý gián tiếp, nhưng nay anh phải trực tiếp đi thu tiền của doanh nghiệp. Tính chất công việc vị thay đổi, lo lắng không làm tốt việc mới khiến anh Hào càng mất ngủ hơn.
"Nhiều hôm cả đêm không ngủ được, tôi chỉ biết ra ngoài đếm ngón tay chờ trời sáng. Đau đầu quá, tôi phải đập đầu vào tường cho đỡ. Sau những lần ấy đầu sưng lên, cũng đau lắm", anh nói. Người đàn ông này thừa nhận không dưới 10 lần tìm cách tự tử. Lần này, anh đã dùng đá đập vào đầu và được phát hiện kịp.
Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, stress công việc dẫn đến mức tự sát là một dạng bệnh lý tâm thần có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng người xung quanh. Những người này bắt buộc phải nhập viện điều trị dưới sự quản lý chặt chẽ của nhân viên y tế cũng như gia đình để đề phòng tự sát, bảo vệ an toàn cho họ.
Biểu hiện ban đầu của stress là khó ngủ, hay cáu gắt với người xung quanh, buồn nản, mệt mỏi. Lâu ngày, bệnh nhân sẽ lo âu, không kiểm soát được hành vi của mình. Nguy hiểm là xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như xem tự sát là một cách để thoát khỏi trạng thái căng thẳng.
Bác sĩ Tâm cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, stress do công việc là một mối lo chung của xã hội. Vì vậy bất cứ ai cũng phải xác định đây là vấn đề chung, đồng thời tìm biện pháp làm giảm áp lực cho mình như tập yoga, ngồi thiền, tăng cường giao tiếp và vận động...
"Thực tế tại Viện sức khỏe tâm thần, tỷ lệ các bệnh nhân bị stress do công việc nhập viện tăng rõ rệt trong thời gian gần đây", bác sĩ Tâm khẳng định.
Theo bác sĩ Tâm, thường gặp nhất là các bệnh nhân bị áp lực do làm ăn, kinh doanh thua lỗ. Cách đây không lâu có ông giám đốc điều hành doanh nghiệp cỡ 500 triệu đôla sắp phá sản. Mỗi tháng ông phải trả lãi ngân hàng 2 - 3 tỷ đồng, chưa kể lương nhân viên. Không chịu được áp lực, ông phải nhập viện. Có một bà cho vay tín dụng đen. Khi người ta phá sản, bà sợ chồng, sợ con lại tiếc của nên rối loạn tâm thần....
"Những bệnh nhân này may được điều trị sớm nên tâm lý ổn định nhanh hơn những người đã tìm đến con đường tự sát", thạc sĩ Dương Minh Tâm chia sẻ thêm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay số người tự tử vì bệnh tâm thần cao hơn số người thiệt mạng do chiến tranh và sát hại lẫn nhau cộng lại, khoảng 1 triệu người mỗi năm, trong đó Mỹ Latinh chiếm một tỷ lệ lớn. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tâm thần tại khu vực này là do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội triền miên, dịch vụ y tế yếu kém...
Từ năm 2008 đến nay, châu Á cũng đang nổi lên như là khu vực có người tự vẫn cao. Hàn Quốc đứng đầu trong vấn nạn này, khi cứ 100.000 người có 24,8 người có ý định tự tử, xếp sau là Nhật Bản với 24 người.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Phan Dương