Mỗi khi mua quần áo, chúng ta đều yêu cầu người bán hàng đưa những sản phẩm chưa có ai thử, còn nguyên trong túi ni lông và hộp. Nhưng thật khó để biết rằng đã có bao nhiêu người chạm vào bộ trang phục hay thử nó trước khi nó trở thành món đồ của bạn. “Người tiêu dùng luôn có tâm lý muốn mua một chiếc áo chưa bị ai mặc thử, để về đến nhà là khoác nó đi làm luôn. Không chỉ đàn ông, mà nhiều phụ nữ cũng có thói quen này. Nhưng điều này không hề tốt cho sức khỏe của bạn chút nào”, Philip Tierno, Giám đốc chuyên ngành Vi trùng học tại Đại Học New York, Mỹ cho biết.
Nhiều người còn có thói quen kinh dị là mặc luôn đồ mới mà không giặt.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Tierno đứng đầu đã kiểm tra 14 mặt hàng phổ biến như áo khoác, đồ lót, áo măng tô và những loại quần áo khác được bày bán trong những cửa hàng từ cao cấp đến bình dân. Họ đã phát hiện dấu vết của chất tiết âm đ.ạo, nhiều loại vi khuẩn, nấm men và thậm chí cả virus gây tiêu chảy có mặt trên các vật dụng ở phòng thử đồ và các sản phẩm do người mua trả lại. “Một số mặt hàng chứa vi khuẩn còn cao hơn mức cho phép. Nguy cơ có thể gây nhiễm bệnh nếu bạn mặc thử những quần áo ẩm ướt vì mồ hôi, quần áo có quá nhiều người đã thử hoặc được bảo quản trong điều kiện kém vệ sinh”, ông Tierno giải thích.
Nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao nếu bạn thử quần áo luôn ngoài tiệm.
Giặt quần áo mới trước khi mặc
"Các sinh vật có thể tồn tại vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng trên quần áo", ông Tierno cho biết. Để tránh bị lây nhiễm bệnh, khi mua quần áo bạn nên hạn chế thử, đặc biệt là đồ thun và đồ lót. Không những thế, hóa chất độc hại trên quần áo như chất nhuộm màu azo-aniline và hóa chất giúp chống nhăn, hạn chế nấm mốc formaldehyde cũng là 2 thủ phạm chính gây kích ứng da. Những hóa chất này sẽ gây đỏ, ngứa, nổi ban, chàm eczema đặc biệt ở những vùng da nhiều mồ hôi như thắt lưng, cổ, đùi và nách. Tất nhiên là những người có tiền sử dị ứng cần phải tuyệt đối tránh các chất gây dị ứng này.
Bệnh chàm eczema ở chân.
Nhiều nhà máy đặt các gói chống ẩm trong hộp hay túi để đảm bảo cho bộ trang phục khỏi bị nấm mốc trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, tùy thuộc vào môi trường của nước sản xuất và độ ẩm tương đối bên trong bao bì mà nấm vẫn có thể phát triển ở một số điều kiện nhất định. Ngoài ra, chính những gói hút ẩm này đôi khi cũng chứa hóa chất gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng trên da.
Vì thế, quần áo mới mua nên giặt bằng nước ấm với 2 lần giũ và phơi ở nơi khô ráo trước khi mặc. Cách làm này vừa giúp tiêu diệt mầm bệnh vừa loại bỏ được các hóa chất độc hại dùng để bảo quản quần áo.