Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế từng chỉ ra rằng việc làm ca luân phiên ngày - đêm đã phá hủy "đồng hồ" sinh học của cơ thể, và có thể là nguyên nhân gây ung thư.
Trong nghiên cứu mới nhất, người ta tìm hiểu 1.101 phụ nữ bị ung thư buồng trứng đã di căn, 389 người ung thư ở giai đoạn sớm (chưa di căn) và 1.832 người không bị bệnh này.
Ảnh: healthland.time.com. |
Tính chung, hơn 1/4 số người bị ung thư di căn cho biết họ làm việc ca đêm, so với 1/3 những người có bệnh ở giai đoạn sớm và 1/5 ở nhóm không có bệnh. Những chị em này phải làm ca đêm trung bình từ 2 đến 3 năm và trong các ngành như y tế, thực phẩm, dịch vụ, văn phòng...
Phân tích dữ liệu cho thấy ở những người làm đêm, nguy cơ mắc ung thư di căn tăng 24% và ung thư ở giai đoạn sớm tăng 49% so với nhóm làm việc ban ngày.
Một lý giải cho điều này, theo các nhà nghiên cứu, là sự rối loạn hoóc môn giấc ngủ melatonin - kéo theo ảnh hưởng đến sự điều chỉnh oestrogen trong cơ thể và khả năng tự sửa chữa những ADN hư hại.
Tuy vậy, kết quả này chỉ rõ ràng nhất ở nhóm phụ nữ ngoài 50 tuổi, theo nghiên cứu công bố trên Occupational and Environmental Medicine. Ngoài ra, những phụ nữ tự nhận mình tỉnh táo vào ban đêm hơn ban ngày thì nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Các nhà nghiên cứu cho là do họ có khả năng thích nghi tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phát hiện trên trùng (hoặc tương tự) như phát hiện đối với bệnh ung thư vú.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Parveen Bhatti, từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seatle, cho biết cần có những nghiên cứu thêm để loại bỏ các nguy cơ liên quan.
T. An (theo BBC)