Lá thư điện tử của giáo sư Siegfried Wenig, đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật lý nguyên tử châu Âu (CERN), gửi giáo sư Pierre Darriulat, cố vấn khoa học tại phòng thí nghiệm tia vũ trụ Việt Nam - Auger, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, nhằm chuyển tiếp lời cầu cứu tìm người hiến tặng tế bào gốc để cứu sống cô gái gốc Việt tên Joon, đang gây xúc động mạnh mẽ trên cộng đồng mạng xã hội.
Thư có tiêu đề “Cầu cứu” gửi giáo sư Pierre Darriulat ngày 27/6, giáo sư Siegfried Wenig cho biết: “Một người bạn thân của con gái tôi - Lauriane (cháu vừa tròn 19 tuổi vào hôm nay), được chẩn đoán bị bệnh bạch cầu và đang cần một người hiến tặng tế bào gấp. Tình trạng của cô bé rất phức tạp vì không ai có thông tin về nguồn gốc gia đình cô bé. Cháu được nhận nuôi tại miền Bắc Việt Nam. Tôi rất cảm kích nếu ông có thể chuyển lời cầu cứu này đến với mọi người mà ông quen biết…”.
Là người nhận được lá thư điện tử chuyển tiếp lời cầu cứu từ giáo sư Pierre Darriulat, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Australia) cho biết ông đang nhờ một số thân hữu và các quỹ hỗ trợ, tổ chức giúp đỡ người bệnh bạch cầu ở châu Âu nỗ lực tìm cách giúp đỡ Joon.
Ngày 8/6, blog “Giúp Joon” cũng đã được gia đình và bạn bè của cô tạo nên. Trên blog có thông tin bằng 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt; nội dung: “Tìm kiếm người hiến tế bào gốc ”. Người nhận các ý kiến và trả lời là cha nuôi của Joon, ông Patrick Gremillet, nhân viên Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, đang làm việc tại Slovakia.
Joon (áo xanh) và gia đình cha mẹ nuôi, trước lúc phát hiện bệnh ung thư máu. Ảnh gia đình cung cấp |
Ông Pactrick Gremillet cho biết, năm 1995 đến Việt Nam công tác ông đã tình cờ gặp bé Joon: “Chúng tôi nhìn thấy nụ cười đáng yêu của bé lần đầu tiên tại một bệnh viện phụ sản ở Hải Phòng khi bé một tháng tuổi, và rồi bé trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi”.
Không tìm thấy thân nhân của bé, gia đình ông đã nhận bé làm con nuôi và đặt cho cái tên mang hai dòng họ Pháp - Việt: Joon Gremillet-Nguyen. Từ đó, cô bé lớn lên cùng ba mẹ và anh nuôi ở nhiều nơi trên thế giới như Lào, Thái Lan, Mỹ, Áo… Gần đây nhất, gia đình Joon chuyển về Pháp. Thông thạo tiếng Pháp và Anh, Joon đã tốt nghiệp trung học Ferney-Voltaire, gần biên giới Thuỵ Sĩ với bằng tốt nghiệp loại ưu về khoa học. Tháng 9/2012, Joon bắt đầu theo học vật lý và khoa học tự nhiên tại đại học Geneva.
Joon sẽ mừng sinh nhật thứ 18 vào ngày 12/7 tới. Ảnh gia đình cung cấp. |
Một ngày cuối tháng 5 vừa qua, Joon thấy hơi mệt và sốt. Khám cho Joon, các bác sĩ không phát hiện gì đặc biệt, yêu cầu em xét nghiệm máu. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Joon được yêu cầu nhập viện khẩn cấp tại Geneva vì em đã bị bệnh ung thư máu lymphoblastic cấp tính - nhiễm sắc thể philadelphia dương tính. Lượng lymphoblastic của em là 137.000, trong khi các bệnh nhân có lượng lymphoblastic từ 50.000 trở lên đã được xếp vào tình trạng nguy kịch.
Ông Pactrick Gremillet cho biết, Joon đã phải ở trong phòng vô trùng và nhận hóa trị ngay lập tức. Các đợt hóa trị khiến em mệt mỏi, nôn ói, và đau toàn cơ thể dù thuốc đã giúp giảm bớt những triệu chứng này. Ngày 5/7, Joon được về nhà sau khi hoàn tất đợt điều trị thứ hai trong một tháng qua. Theo các bác sĩ, Joon sẽ phải tiếp tục hai đợt “hợp nhất hóa trị” nữa cho đến cuối tháng 8. Sau đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại kết quả quá trình điều trị và đưa ra quyết định cho cách thức điều trị giai đoạn tiếp theo. Mặc dầu được nhận định tình trạng đã ổn định, nhưng dấu vết của bệnh vẫn hiện diện (<0,1%). Mục đích của các chu kỳ hợp nhất là để giảm bớt số lượng các tế bào ác tính cho đến khi Joon được phẫu thuật cấy ghép vào tháng 9 tới.
Theo ông Patrick Gremillet, không ai trong gia đình cha mẹ nuôi của em có tế bào tương thích: “Xác suất tương thích giữa hai cá nhân rất hiếm, chỉ 1 trong 1 triệu. Để tìm được một người hiến tế bào cho Joon, cần tìm một người có đặc tính di truyền càng giống Joon càng tốt. Khả năng tìm thấy tế bào tương thích cao nhất là trong cộng đồng người châu Á và Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ sở dữ liệu quốc tế, hiện cộng đồng này có số lượng người hiến tặng tự nguyện ít nhất mặc dù đây là cộng đồng có số người mắc căn bệnh này rất phổ biến…”.
Joon sẽ mừng sinh nhật 18 tuổi vào ngày 12/7. Bạn bè Joon, thậm chí là cha mẹ của bạn em cũng rất quý mến cô. Họ nhận xét Joon ham khám phá, tràn đầy nhiệt huyết và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Joon đam mê khoa học, đặc biệt là vật lý nguyên tử. Cô bé cũng rất yêu phim ảnh, triển lãm nghệ thuật, hòa nhạc, thích du lịch, thích ngắm mặt trời lặn hay chỉ đơn giản là ăn một bữa ăn tối cùng nhau. Joon có đôi tay khéo léo và thích công việc thủ công. Người cha nuôi kể: “Joon làm vườn, đan lát, vẽ, viết và chơi piano. Cô bé tự làm rất nhiều việc kể cả sửa sang lại căn phòng của mình như trát tường và quét sơn, thậm chí cả khi nằm điều trị trong bệnh viện, Joon cũng xếp rất nhiều hình bằng giấy để tặng các y tá”.
Khi thông tin về Joon được đăng lên http://teamjoon.net, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi. Người thì hướng dẫn ông Patrick Gremillet tìm đến các ngân hàng lưu trữ tế bào gốc, người để lại địa chỉ liên lạc tình nguyện thử máu để hiến tế bào cho Joon, người khác cùng chia sẻ thông tin cho cộng đồng bạn bè là người châu Á… Những mạng xã hội khác cũng được kết nối nhằm mở rộng cơ hội tìm người hiến tặng như Facebook, Twitter, Google+… bằng nhiều thứ tiếng khác như Đức, Arập, Tây Ban Nha, Hoa, Nga với chủ đề “Giúp đỡ Joon”.
Thông điệp cầu cứu đã được truyền đi bằng mọi cách. Việc Joon có khỏi bệnh hay không, phụ thuộc nhiều vào cơ hội tìm được người hiến tặng tương hợp trước tháng 9 tới. Cho dù hy vọng có mong manh thì gia đình và bạn bè của Joon vẫn tin sẽ tìm được, để nụ cười của cô bé không tắt lịm, nụ cười mà với ông Patrick Gremillet: “Có sức lan tỏa, làm mọi người cảm thấy yên bình và yêu đời hơn”.
Làm sao để hiến tặng tế bào gốc?
Việc hiến tặng tế bào gốc có thể điều trị và chữa khỏi các bệnh về máu như bệnh bạch cầu. Trong năm 2010, có khoảng 1.700 bệnh nhân được ghép tế bào ở Pháp, trong đó 950 là nhờ người hiến tặng đăng ký trong dữ liệu quốc tế. Cách trở thành một người hiến tặng tự nguyện là liên hệ với trung tâm y tế hoặc cơ sở hiến tặng gần nhất. Điều kiện chỉ cần: có sức khỏe tốt; 18 tuổi đến dưới 55 tuổi tại thời điểm đăng ký (một số nước có các quy định riêng về giới hạn tuổi, có nơi dưới 51 tuổi và có nơi đến 60 tuổi); điền vào phiếu câu hỏi về sức khỏe và thử máu. Việc hiến tặng qua hệ thống đăng ký quốc tế có 3 nguyên tắc cơ bản: Không biết danh tính người hiến và người nhận; tự nguyện; người hiến không nhận thù lao và người nhận không phải trả tiền. Tế bào gốc hiến tặng có thể được gửi tới bất kỳ đâu trong một thời gian ngắn. Có thể tìm hiểu thêm thông tin hiến tặng tế bào gốc tại: http://teamjoon.net. |
Theo SGTT