Màng nhĩ lành (trái) mỏng và trong suốt. Màng nhĩ trong bệnh viêm tai giữa (phải) đỏ và đục. |
Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai đầu mặt cổ cho biết, bệnh nhân viêm tai giữa thường ở độ tuổi 1-7 (do các em chưa biết cách chăm sóc tai, mũi, họng và sức đề kháng còn yếu).
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh là tai chảy dịch nhầy và mủ. Bệnh nhân thấy đau nhói trong tai, kèm các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, bỏ ăn... Lúc này, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa về tai để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý chữa trị ở nhà.
Nếu điều trị không đúng hoặc không kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính với các biến chứng như viêm xương chũm, viêm xương thái dương khiến trẻ bị điếc. Ngoài ra, bệnh còn gây những biến chứng nguy hiểm như viêm tĩnh mạch bên, áp xe não, viêm màng não... có thể làm trẻ tàn phế hoặc tử vong.
Một trường hợp điển hình của biến chứng do viêm tai giữa là cháu L.V.N. (12 tuổi). Cháu được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng I, TP HCM trong tình trạng sốt, nhức đầu kéo dài, mệt mỏi, tri giác kém... Sau nhiều ngày chữa trị tại khoa Nhiễm, tình trạng bệnh càng xấu hơn; bệnh nhân u mê, hầu như không còn khả năng nhận biết. Ngày 19/8, khi được chuyển sang khoa Tai mũi họng, cháu được chẩn đoán là viêm màng não, viêm xương chũm, tắc xoang tĩnh mạch bên, áp xe vùng cổ... do viêm tai giữa. Bệnh nhân được phẫu thuật ngay.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa cho biết, nếu việc điều trị được thực hiện chậm hơn khoảng 24 giờ, bệnh nhân có thể tử vong do tăng áp lực nội sọ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng sẽ bị điếc hoàn toàn một tai vì chứng viêm xương chũm đã phá hủy hệ thống tai giữa.
Phụ huynh nên tránh một số cách điều trị sai lầm sau:
- Nhét bông gòn hoặc rắc thuốc bột vào tai khi trẻ bị chảy mủ tai: Điều này rất nguy hiểm vì bông làm mủ không thoát ra được; mủ sẽ phá thủng màng nhĩ gây viêm màng não. Bột thuốc cũng làm tăng nguy cơ mủ chảy vào tai.
- Đốt sáp ong thổi vào tai khi tai chảy mủ: Cách này làm cho bệnh nặng hơn.
Để phòng viêm tai, tuyệt đối không cho trẻ ngoáy tai vì việc này sẽ làm tai bị chấn thương, thậm chí phá thủng màng nhĩ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm tai.
Người Lao Động