Bà Hoa - nhân viên y tế tiêm cho con chị Oanh - chính là người đã tiêm thiếu văcxin cho trẻ trong sự việc gây xôn xao dư luận hôm 19/4 vừa qua.
Phản ánh với báo Lao Động ngày 12/5, chị Nguyễn Kim Oanh, 33 tuổi, ở tổ 8, phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết hai tháng trước, ngày 10/3, chị đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng số 70 đường Nguyễn Chí Thanh để tiêm văcxin mũi thứ hai phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan, viêm màng não mủ…. Tại đây, bé được nhân viên y tế Bùi Thị Phương Hoa tiêm.
“Bà Hoa không pha thuốc mà tiêm luôn cho con tôi. Xong, bà đưa cho tôi một vỏ hộp thuốc. Về đến nhà, tôi đọc hướng dẫn thì mới tá hỏa phát hiện là trước khi tiêm phải pha trực tiếp, không được pha sẵn”, chị Oanh kể.
Chị Oanh lo sợ số thuốc pha sẵn bà Hoa tiêm cho con mình là thuốc dồn từ những lọ thuốc "ăn bớt". Ảnh: Lao Động. |
Hốt hoảng, chị Oanh đã ôm con đến Trung tâm Y tế dự phòng gặp trực tiếp bà Hoa để thắc mắc đã tiêm cho bé thuốc gì, pha từ bao giờ. Bà này giải thích do quá đông, nên đã pha sẵn 2 liều để tiêm cho con chị và một cháu khác, đồng thời trấn an "Chị yên tâm, tôi lấy lương tâm nghề nghiệp của mình là tiêm cho cháu đúng thuốc".
Ngay lúc đó, chị Oanh yêu cầu bà Hoa viết bản tường trình, trong đó bà thừa nhận đã pha sẵn thuốc, đồng thời ông Đặng Đình Huân - trưởng kíp trực ký xác nhận sự việc. Khi chồng chị bảo sẽ báo lên báo với giám đốc trung tâm về sự việc, thì bà Hoa xin thôi vì sợ ảnh hưởng đến công tác của bà.
Mấy ngày qua, biết thông tin bà Phương Hoa tiêm thiếu văcxin nên gia đình chị rất lo. “Tiêm thuốc gì chỉ có bác sĩ Hoa biết. Nếu con tôi có mệnh hệ gì thì sao? Liệu có phải bác sĩ Hoa ăn bớt thuốc của các cháu khác, rồi dồn số thuốc ăn bớt đó lại tiêm cho con tôi không?”, chị Oanh đặt nghi vấn.
Bản tường trình của bà Phương Hoa hôm 10/3, sau khi tiêm thuốc pha sẵn cho con chị Oanh. Ảnh: Lao Động. |
Theo hướng dẫn "Thực hiện tiêm chủng an toàn" từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương: Cần lắc đều lọ văcxin trước khi sử dụng; không hút sẵn văcxin vào bơm tiêm, các lọ văcxin đã mở không được sử dụng nữa... Như vậy, việc hút sẵn thuốc và tiêm cho trẻ là vi phạm quy chuẩn an toàn.
Sau khi sự việc về ăn bớt văcxin được đưa lên công luận, nhiều bà mẹ trẻ từng cho con tiêm ở 70 Nguyễn Chí Thanh cũng chia sẻ, con mình cũng từng được tiêm những xi lanh có sẵn thuốc như trường hợp chị Oanh. Nick Mylinhxxx viết trên Webtretho: "Bé đầu nhà mình giờ đã 4 tuổi toàn tiêm ở đấy. Nhiều khi đưa con vào tiêm mình đã thấy người ta cầm kim tiêm có thuốc sẵn, rồi hỏi mình 'chị nộp bao nhiêu tiền? Hôm nay con tiêm mũi này nhé'. Thế nên yên tâm, không bao giờ nghĩ họ tiêm sai".
Khảo sát trên hơn 3.700 độc giả của VnExpress.net cho thấy, tỷ lệ bạn đọc mất niềm tin vào nhân viên y tế trong vụ "tiêm thiếu văcxin" là rất lớn, với hơn 80% cho rằng do "cố tình ăn gian".
Chưa đầy 2% bạn đọc tin rằng nguyên nhân thực sự trong vụ tiêm thiếu văcxin là do sơ xuất. |
Quy trình tiêm chủng an toàn của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: Chuẩn bị buổi tiêm chủng:- Chuẩn bị chỗ tiêm chủng: ngoài văcxin bại liệt, tả được sử dụng bằng đường uống thì các văcxin khác của tiêm chủng đều sử dụng đường tiêm, vị trí tiêm tuỳ thuộc các loại văcxin khác nhau. - Chuẩn bị phích văcxin: Lấy bình văcxin lạnh đã đóng băng ra khỏi tủ lạnh để ở nhiệt độ phòng cho đến khi lắc nghe thấy tiếng óc ách của nước. Nếu sử dụng đá lạnh thay cho bình tích lạnh thì phải để đá trong túi nilon buộc chặt đặt bên dưới phích và được ngăn cách với văcxin bằng một miếng bìa. - Bảo quản văcxin: Tất cả văcxin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh ở nhiệt độ từ dương 2 độ C đến dương 8 độ C. Theo dõi và ghi nhiệt độ tủ lạnh bảo quản văcxin hàng ngày (2 ngày một lần, 7 ngày mỗi tuần). - Văcxin đã mở trong buổi tiêm chủng phải được bảo quản trên miếng xốp đặt trong phích văcxin. Các bước thực hành và đảm bảo an toàn tiêm chủng: - Khám phân loại trước khi tiêm chủng: hoãn tiêm khi trẻ bị sốt, bị nhiễm khuẩn cấp tính. Không tiêm cho trẻ có phản ứng mạnh với văcxin cùng loại tiêm trước. Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. - Kiểm tra nhãn, hạn sử dụng, chỉ thị nhiệt độ lọ văcxin. - Đối với văcxin pha hồi chỉnh: Dùng đúng loại dung môi của nhà sản xuất cho mỗi văcxin. Sử dụng bơm kim tiêm vô khuẩn cho mỗi lần pha. Văcxin đã pha hồi chỉnh chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. - Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi tiêm. - Sử dụng một bơm kim tiêm vô khuẩn còn hạn sử dụng cho mỗi mũi tiêm. - Giữ trẻ đúng tư thế khi tiêm. - Lắc đều lọ văcxin trước khi sử dụng. - Tiêm đúng vị trí, đúng kỹ thuật. - Không lưu kim tiêm ở nắp lọ văcxin. - Không hút sẵn văcxin vào bơm tiêm. - Không đậy nắp kim tiêm sau khi sử dụng. - Bỏ ngay bơm kim tiêm đã dùng vào hộp an toàn. - Theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm. - Ghi sổ và phiếu tiêm chủng sau khi tiêm. - Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đến cơ sở y tế đều phải được xử trí kịp thời theo đúng quy định và ghi vào sổ “Theo dõi các phản ứng bất thường sau tiêm chủng”. - Kết thúc buổi tiêm chủng - Các lọ văcxin chưa mở cần bảo quản ở nhiệt độ dương 2 độ C đến dương 8 độ C cho đến buổi tiêm chủng lần sau. - Các lọ văcxin đã mở không được sử dụng nữa. - Lưu giữ lọ văcxin và dung môi đã sử dụng trong vòng 2 tuần. - Đốt hộp an toàn khi đầy bơm kim tiêm. |
M. Thùy