'Thở khò khè' - dấu hiệu của rất nhiều loại bệnh
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Nhiều trẻ sơ sinh khi ngủ thường phát ra tiếng thở khò khè khiến các mẹ rất lo lắng, bởi đây là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới như: viêm phế quản, viêm phổi hay hen suyễn, viêm thanh quản cấp tính...
Bên cạnh đó, nếu trẻ bị dị ứng hay có biểu hiện trào ngược dạ dày cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thở, đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra tiếng khò khè khi ngủ.
Thông thường, bệnh 'khò khè' hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2-3 tuổi, bởi ở lứa tuổi này phế quản có kích thước còn nhỏ dễ bị co thắt, phù nề, tiết dịch đồng thời tắc nghẽn khi bị viêm nhiễm.
Như vậy, thở khò khè là dấu hiệu đầu tiên của rất nhiều loại bệnh, có bệnh vẫn ở giới hạn an toàn nhưng cũng có bệnh ở mức độ nguy hiểm. Do đó, các mẹ tuyệt đối đừng lơ là khi trẻ có dấu hiệu trên để tìm ra biện pháp điều trị kịp thời.
Những trẻ sinh mổ dễ mắc chứng 'thở khò khè' hơn đúng không?
TS.BS Phạm Diệp Thuỳ Dương (Nguồn: Internet)
Tư vấn qua mục Hỏi - đáp trên trang cá nhân, TS. BS Phạm Diệp Thuỳ Dương trả lời phóng viên Stylenews rằng, các mẹ thường rất lo lắng khi nhận thấy con mình “khò khè” trong những ngày tháng đầu đời, đồng thời mô tả rằng bé hay“rọt rẹt” nhất là lúc bú, lúc khóc .
Thật ra, đúng hơn nên gọi tiếng thở này là “khụt khịt” – một tiếng thở có âm sắc trầm nghe rõ khi bé hít vào. Cha mẹ có thể nhận biết bằng cách kề tai gần mũi hay miệng của bé. Có thể cha mẹ chưa biết, nhưng đường thở của trẻ trong vài tháng đầu đời ngắn và hẹp một cách sinh lý, đây chính là nguyên nhân gây ra tiếng thở này.
Vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng, trong trường hợp bé thở khụt khịt nhưng vẫn bú ngủ tốt, hồng hào, khỏe mạnh thì cha mẹ không cần lo lắng. Nhưng nếu thấy con có những tiếng thở bất thường, mà bản thân không thể tự đánh giá chắc chắn hay triệu chứng nặng nề dần, tốt nhất hãy mang bé đến gặp bác sĩ ngay.
BS Thuỳ Dương cũng nhấn mạnh, nhiều bố mẹ thường nghĩ con mình hay “khò khè”, dễ mắc viêm hô hấp như trên là do sinh mổ, hoặc do các nữ hộ sinh đã không hút sạch nhớt cho bé lúc mới sinh. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi đường thở sạch là một trong những điều kiện tiên quyết để bé có thể sống được.
Cách xử trí khi trẻ mắc chứng 'thở khò khè'
Cho trẻ bú đúng cách
Không phải mẹ nào cũng có kiến thức về việc cho con bú đúng cách, khi bú các mẹ nên nâng đầu bé cao lên một chút, bế bé áp bụng vào bụng mẹ để bé ngậm sâu quầng đen núm vú.
Trong khi cho bú, một tay mẹ ôm giữ lưng và mông con, tay còn lại đỡ lấy bầu ti. Trong khi đó, hai ngón tay trỏ và giữa kẹp nhẹ phía trên quầng đen núm vú, để chặn bớt sữa khi sữa phun tia làm bé dễ sặc.
Không được tự ý dùng thuốc
Khi trẻ có dấu hiệu khò khè, mẹ tuyệt đối không nên tự ý cho con sử dụng thuốc vì có thể khiến tình trạng bệnh xấu đi. Cách tốt nhất, nếu thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm, nên đưa bé đến những phòng khám chuyên khoa nhi và tai – mũi – họng, để các bác sĩ xác định rõ nguyên nhân nhằm can thiệp kịp thời cho bé.
Thường xuyên vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muỗi loãng
Đây là một trong những biện pháp đơn giản, nhưng hiệu quả và an toàn có tác dụng làm mềm vẩy cứng và loãng dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi bé, giúp chúng đào thải ra ngoài dễ hơn. Bên cạnh đó, việc vệ sinh này còn giúp thông thoáng mũi để trẻ dễ thở, đào thải các mầm bệnh cũng như cải thiện tình trạng sinh hoạt và vận động của trẻ.
Chú trọng chế độ ăn uống của bé
Bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp chữa trị, cha mẹ cũng nên lưu ý đến chế độ ăn uống cho bé. Khi bị nghẹt mũi, bé thường phải thở bằng miệng nên có thể sẽ bị mất nước. Do đó, cha mẹ hãy đảm bảo bé uống nhiều nước lọc, các loại nước ép trái cây hoặc các loại nước dinh dưỡng để đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ nước.