Đây là kết quả nghiên cứu mới được tổ chức Save the Children công bố gần đây. Khảo sát này được tiến hành dựa trên các điều tra hàng nghìn trẻ em tại 4 nước gồm: Etiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam.
Kết quả cho thấy chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có thể làm suy giảm trầm trọng khả năng đọc và viết một câu đơn giản và trả lời chính xác những bài toán cơ bản. Các em có nguy cơ nhầm lẫn khi viết một câu đơn giản là 12,5% và làm sai những bài toán đơn giản như: “8-3 bằng mấy?” là 7%.
Tỷ lệ biết đọc, biết viết ở trẻ cũng thấp hơn so với bé được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ trung bình khoảng 20%. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng mãn tính cũng ảnh hưởng đến chi phí kinh tế. Cụ thể, khi trưởng thành, trẻ thường kiếm được ít tiền hơn khoảng 20%.
Suy dinh dưỡng thấp còi liên quan nhiều đến sự phát triển trí tuệ, thể lực, dẻo dai của trẻ về sau này. Ảnh minh hoạ: P.N. |
Theo bà Jasmine Whitbread, Giám đốc điều hành của Save the Children thì chế độ dinh dưỡng nghèo nàn dẫn tới khủng hoảng của việc biết đọc biết viết và tính toán, đây cũng là một cản trở lớn cho những tiến bộ tiếp theo của việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Một phần tư số trẻ em trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng của suy dinh dưỡng mãn tính, khiến hàng triệu trẻ em đang phải đối mặt với những sự rủi ro của sự sống.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, kết quả nghiên cứu trên là chính xác với nhóm trẻ suy dinh dưỡng thể nặng, nghĩa là trẻ có chỉ số khối cơ thể BMI thấp hơn hẳn so với trẻ bình thường. Còn với trẻ có chỉ số đó không quá thấp, thì mức ảnh hưởng không nhiều.
Trẻ có chỉ số BMI thấp còn do thể trạng, khả năng hấp thụ dinh dưỡng… Với những bé có nhu cầu và thể trạng kém hơn các bạn thì việc trẻ thấp còi hơn chút xíu là bình thường. Trong trường hợp này, chỉ số BMI chỉ cho thấy các em có vóc dáng nhỏ con hơn các bạn cùng lứa nhưng cơ thể và trí não các em vẫn phát triển hoàn toàn bình thường.
Do vậy, có thể nói, phần lớn những trẻ suy dinh dưỡng mãn tính gặp phải vấn đề chậm phát triển trí não như trên sẽ phân bố ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại những khu vực này, do tình trạng kinh tế gia đình còn khó khăn, hiểu biết của cha mẹ còn vô cùng ít ỏi, nhất là trong lĩnh vực nuôi và chăm sóc trẻ, tình trạng trí não bị ảnh hưởng do suy dinh dưỡng mãn tính sẽ xảy ra, tiến sĩ Hương cho biết.
Để tránh tình trạng này, theo tiến sĩ Hương, bên cạnh việc nâng cao mức sống của người dân, việc cần làm hiện nay là nâng cao hiểu biết của cha mẹ trẻ trong việc nuôi dạy trẻ, nhất là với những cha mẹ còn quá trẻ tuổi. Hiện nay, một số thanh niên dân tộc thiểu số lập gia đình và sinh con quá sớm, khi mới 13-14 tuổi. Ở độ tuổi này, việc sinh con là rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Những đứa trẻ được sinh ra thường mang nhiều khiếm khuyết trong cơ thể, yếu ớt, còi cọc, và nhiều bệnh tật. Việc nuôi dạy các cháu là vô cùng khó khăn.
Về mặt kiến thức, các cha mẹ 13-14 tuổi còn chưa đủ hiểu biết để chăm sóc tốt chính bản thân mình. Vì vậy, việc tìm hiểu và chăm sóc một đứa trẻ là vô cùng khó khăn.
"Nhiều em chỉ làm theo sự hướng dẫn của người trong làng, bản, nơi còn có nhiều tập tục cổ hủ, lạc hậu, hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của trẻ. Cũng có em thì mặc kệ cho trẻ sống sao được thì sống. Vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ nhỏ trong các gia đình này là khá cao", tiến sĩ Hương cho biết.
Theo một chuyên gia của Viện dinh dưỡng quốc gia thì suy dinh dưỡng thấp còi hay suy dinh dưỡng mãn tính liên quan rất nhiều đến thể lực, tầm vóc, sự dẻo dai và phát triển trí tuệ của trẻ về sau này. Những hệ lụy của tình trạng thấp còi này kéo dài qua nhiều thế hệ, người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Những trẻ thấp còi sau này phát triển khó đuổi kịp các bạn bình thường cùng tuổi.
Bên cạnh đó, thực tế, với chỉ số khối cơ thể BMI từ 22 trở lên, nhiều người Việt đã được xếp vào nhóm thừa cân, có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường... trong khi đó trên thế giới chỉ số này phải từ 25 trở lên. Nguyên nhân một phần do tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi khi còn nhỏ.
Phương Trang