Vừa cho cậu con trai gần 3 tuổi uống hết hộp sữa xong, quay đi quay lại chị Linh (Gia Lâm, Hà Nội) đã thấy con nôn thốc nôn tháo. Lúc đó, chị chỉ nghĩ có thể trời lạnh, con bị cảm gió hoặc vướng đờm trong cổ nên mới thế. Thế nhưng suốt cả ngày hôm đó, con cứ ăn uống cái gì vào là chỉ 15 phút xong lại nôn cho bằng sạch.
Cả ngày không ăn uống gì nên đến tối thì chị thấy con mệt lử, trong khi bụng thì cứ căng phồng lên, lại hơi ngây ngấy sốt. Đi bệnh viện gần nhà khám, chụp Xquang, xét nghiệm máu thì bác sĩ kết luận cháu bị đầy hơi, cho thuốc về uống.
"Tuy nhiên, đến đêm thì con sốt đùng đùng, sáng hôm sau thì vẫn không ăn uống được gì, nôn liên tục. Nhìn con gày sọp đi, không chơi gì, cứ bắt bế, tôi sợ quá vội đưa con đi khám lại, thì bác sĩ kết luận cháu bị tiêu chảy do rotavirus, phải truyền dịch", chị Linh kể lại.
Bác sĩ đang khám lại cho trẻ bị tiêu chảy do rotavirus. Ảnh: P.N. |
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, miền Bắc đang trong mùa dịch tiêu chảy do virus rota, nên số trẻ mắc bệnh này cũng tăng hơn so với bình thường. Mỗi tối có 5-6 trẻ đến khám với các biểu hiện: nôn trớ, đầy hơi, sốt nhẹ, tiêu chảy...
Tiêu chảy do rotavirus hay tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng. Trong 5 năm đầu đời, phần lớn trẻ mắc phải bệnh này.
"Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Bé có thể ho, sốt nên nhiều một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng", phó giáo sư Dũng nói.
Cũng theo bác sĩ, biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, điều quan trong việc điều trị bệnh là bù dịch và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.
Nếu chăm sóc ở nhà, cha mẹ nên cho trẻ bù nước, điện giải bằng dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Còn nếu thấy trẻ mệt quá, không ăn uống gì, không chơi, nằm li bì thì nên đưa bé đến bệnh viện để truyền dịch.
Ngoài ra, không nên kiêng khem quá mức trong việc ăn uống. Cần cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, chuối tiêu, vẫn có thể uống sữa bình thường... Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có lactose.
Để phòng bệnh tốt nhất nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. Vì thế, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cha mẹ, người giữ trẻ cũng giữ tay sạch sẽ, khi thay tã giấy cho trẻ thì cũng phải rửa tay bằng xà phòng vì như thế mới diệt được virus. Đặc biệt là trong thời tiết lạnh như hiện nay, nhiều người ngại rửa tay, như thế bệnh càng dễ lây.
Nam Phương