Đau mắt đỏ cần được khám để xác định đúng tình trạng bệnh. |
Mẹ bé Hoàng cho biết, chị đã tự mua thuốc về nhỏ khi thấy con bị mắt đỏ. Một tuần sau, mắt trái khỏi nhưng mắt phải ngày càng đỏ rồi sưng lên.
"Đây không phải là trường hợp cá biệt, khoa vẫn tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm loét giác mạc nặng do phụ huynh tự mua thuốc không đúng về nhỏ khi các cháu bị đỏ mắt", bác sĩ Lưu Đình Trứ, Trưởng khoa Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Nhi đồng II, cho biết. Ông nhấn mạnh: "Tự mua thuốc về nhỏ là một sai lầm của người bệnh đau mắt đỏ".
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, cùng một biểu hiện nhưng bệnh đau mắt đỏ có nhiều dạng khác nhau: như viêm kết mạc (lòng trắng), viêm giác mạc (lòng đen), có màng giả... Chỉ khi khám, bác sĩ mới biết người bệnh bị đau mắt loại nào và căn cứ vào từng lứa tuổi, tình trạng: trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai, người có bệnh... mà có chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp. Do vậy không thể dùng một thuốc nhỏ duy nhất cho tất cả mọi trường hợp bệnh mắt.
Bác sĩ Huỳnh Khánh Trang, chuyên khoa điều trị Bệnh viện mắt Cao Thắng, TP HCM, cũng nhấn mạnh, người bệnh cần được bác sĩ khám để biết mắt bị đau vì nguyên nhân gì. Nếu bị màng giả sau mí mắt phải tách lớp màng giả thì mới khỏi bệnh. Vì nếu không tách bỏ lớp màng giả, khi nhỏ thuốc bị cản bởi lớp màng không vào mắt được sẽ kéo dài thời gian bị bệnh.
"Tự mua thuốc người ta thường mua phải thuốc có chứa những chất rất có hại cho mắt như: Dexacol, Polydexa. Càng không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề cho mắt", bác sĩ Trang khuyến cáo.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết thêm, bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno hoặc vi khuẩn có sẵn trong môi trường gây ra. Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh như: dùng chung khăn mặt, nước mắt, ghèn của người bệnh đau mắt đỏ tiếp xúc với người lành. Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh tốt người bệnh sẽ khỏi trong vòng 7 ngày.
Bệnh này lây lan rất nhanh, dễ phát thành dịch nếu có người mắc bệnh đang ở trong cộng đồng đông người như: trường học, bệnh viện, công xưởng... Vì thế nếu có một người mắc bệnh nên ngay lập tức nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho cộng đồng xung quanh. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác, nên đeo kính khi ra đường... Nếu cả nhà đều bị đau mắt đỏ thì mỗi người dùng riêng một chai thuốc nhỏ. Vì nhỏ mắt chung một chai thuốc là cách lây truyền bệnh nhanh nhất và trực tiếp nhất. Khi có bệnh mắt đỏ cần vừa nhỏ thuốc vừa giữ vệ sinh hằng ngày bằng dung dịch nước muối. Đắp mắt bằng khăn lạnh sẽ làm mắt ít sưng hơn. Trước và sau rửa mắt phải rửa tay bằng dung dịch vệ sinh thật kỹ.
Cho tới nay chưa có thuốc ngừa bệnh đau mắt đỏ.
Võ An