Trả lời:
Chào bạn,
Câu hỏi của bạn rất hay, hiện tại nhiều người cũng có cùng thắc mắc như thế.
Thực tế, không chỉ trên những người bị chứng chảy máu ở nướu răng, mà trong một số trường hợp, nhất là khi người nhiễm HIV ở vào giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể nhiễm nấm vùng khoang miệng hay hầu họng. Một số có thể bị những nhiễm trùng vùng da gây lở loát, rỉ máu và dịch mô.
Trong tất cả các tình huống trên có thể khái quát theo công thức như sau: Dịch tiết vốn dĩ an toàn (nước bọt) được pha lẫn với dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm (máu), kết quả sẽ cho ra một hỗn hợp dịch tiết dự phòng có nguy cơ lây bệnh , dù khả năng lây nhiễm đã giảm do bị pha loãng.
Trở lại câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời về khả năng lây nhiễm hiv ở hai bình diện: Gia đình (tức những người chăm sóc bệnh nhân) và cộng đồng nói chung.
Trên bình diện gia đình, người nhiễm và người chăm sóc cũng nên thận trọng với khả năng nguy cơ này, nhất là khi tiếp xúc thường xuyên trong môi trường thân cận. Gia đình có thể chuẩn bị riêng một số ly tách sạch cho người bệnh sử dụng, đặc biệt là trong các đợt bệnh nhân bị lở loét vùng miệng.
Gia đình nên trao đổi với người bệnh với một thái độ ôn hòa, cảm thông, và hơn ai hết, người nhiễm sẽ nhận ra và có ý thức bảo vệ cho người thân của mình. Lưu ý, đừng cư xử quá cứng nhắc có thể làm tổn thương đến lòng tự trọng của bệnh nhân.
Trên bình diện rộng hơn, tức là cộng đồng, hiện chưa ghi nhận ca nhiễm HIV nào chỉ do uống nước, hay ngồi ăn chung với một ai đó nhiễm HIV. Nếu chỉ nghĩ về tình huống bạn đưa ra và vin vào câu trả lời “có khả năng”, thì vô hình chung, chúng ta đang kỳ thị người có H, bởi khả năng xảy ra tình huống này cũng như tỷ lệ lây nhiễm trong tình huống trên là cực kỳ thấp.
Nếu vẫn còn băn khoăn, bạn có thể đến các trung tâm tư vấn về HIV để được làm các xét nghiệm cần thiết nhé. Thân ái.
BS Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới