Sữa có giúp xương chắc hơn?
Cho đến nay khoa học đã chứng minh sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và những tổ chức y tế quốc tế uy tín đều khuyến cáo cho trẻ bú mẹ là lý tưởng nhất. Nhưng thường thì không phải tất cả bà mẹ đều có thể nuôi con bú nên các gia đình thường chuyển sang dùng sữa bò hay các loại sữa động vật khác.
Quá trình dùng sữa này thường được tiếp tục kể cả khi trẻ đã lớn. Và rất nhiều công ty sữa giờ đều tìm cách quảng cáo để phát triển tiêu thụ sữa ở những người trung niên và lớn tuổi. Ở Mỹ, người lớn được khuyên nên uống ít nhất ba cốc sữa mỗi ngày. Năm 1994, Chính phủ Mỹ đã thành lập Dairy Management Inc. để giúp “tăng lượng tiêu thụ sản phẩm từ sữa”. Dairy Management là tổ chức từng đưa ra chiến dịch “Got milk?” (Bạn có sữa chưa?). Đến giờ phần lớn kinh phí cho các chiến dịch marketing của Dairy Management từ các tập đoàn sản xuất sữa.
Giáo sư khoa nhi Aaron E. Caroll của ĐH Y dược Indiana trong bài viết trên New York Times mới đây chỉ ra con người là động vật có vú duy nhất tiếp tục dùng sữa - đôi khi là với số lượng lớn - sau khi trưởng thành.
Theo nghiên cứu của giáo sư Caroll, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dùng sữa sau giai đoạn thơ ấu thực tế không giúp ích nhiều, thậm chí có thể có hại cho người dùng.
Các quảng cáo của ngành sữa hiện nay vẫn tập trung thông điệp sữa có nhiều tác dụng: tốt cho xương, chứa nhiều calcium, vitamin D và giúp ta có cơ thể khỏe mạnh. Nhưng theo New York Times, không có nhiều căn cứ khoa học cho các quảng cáo này. Năm 2011, tạp chí khoa học Journal of Bone and Mineral Research chuyên về xương và khoáng chất đã cho công bố kết quả phân tích liệu việc tiêu thụ sữa giúp chống rạn nứt xương hông thế nào ở người trung niên và người già. Nghiên cứu ở khoảng 200.000 phụ nữ cho thấy việc uống sữa đã không giúp gì cho việc giảm tỉ lệ rạn xương ở phụ nữ.
Một nghiên cứu trên quy mô lớn năm 2007 của tạp chí khoa học về dinh dưỡng American Journal of Clinical Nutrition tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự liên quan giữa lượng calcium uống thêm với tình hình rạn xương trên hơn 200.000 người từ 34-79 tuổi cho thấy việc uống thêm calcium thực tế không liên quan gì tới việc giảm tỉ lệ rạn xương.
Uống sữa tốt cho xương: sự thật hay lời nói dối?
Theo trang Maxisciences, trong khi các chuyên gia dinh dưỡng vẫn thường khuyên cho trẻ uống 3 ly sữa mỗi ngày để tăng cường mật độ xương thì các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Harvard (Mỹ) đã chứng minh “tác dụng không hiệu quả” của sữa.
Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã theo dõi việc tiêu thụ sữa và số lượng gãy xương của khoảng 192.000 người bao gồm cả thanh thiếu niên, phụ nữ và đàn ông trong vòng 22 năm.
Thống kê cho thấy có 1.226 trường hợp phụ nữ bị gãy xương đùi và ở đàn ông là 490 trường hợp. Trong số đó, có hơn 90% trường hợp gãy xương do vấp ngã hoặc té.
Các nhà khoa học đánh giá những người uống nhiều sữa trong độ tuổi phát triển vẫn có nguy cơ bị gãy xương không khác mấy so với những người uống ít hơn.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, những bé trai uống thêm một ly sữa mỗi ngày trong giai đoạn phát triển có khả năng tăng nguy cơ gãy xương đùi là 9%. Ngược lại, các nhà nghiên cứu không nhận thấy trường hợp tăng nguy cơ gãy xương đùi ở phụ nữ.
Sự khác biệt ở đây có thể đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là vì các bé gái không phát triển tương tự như bé trai.
Giáo sư Diane Feskanich, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: “Việc tiêu thụ sữa trong quá trình phát triển có thể giúp khối lượng xương tăng. Nhưng một chiều cao quá khổ lại là yếu tố gây ra căn bệnh loãng xương”.
Tuy nhiên, theo GS Feskanich, kết luận này không nhằm mục đích khuyến cáo những em nhỏ quay lưng lại với sữa và các sản phẩm làm từ sữa.
Nguyên Vy (TH)