Trên thế giới có khoảng 20 - 25% dân số bị viêm mũi dị ứng. Bệnh đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính là do sự ô nhiễm không khí, môi trường sống thay đổi... Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh vẫn nằm ở mức cao với khoảng 12,3% dân số. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 30-35% những người đến khám mắc bệnh này.
Theo báo cáo của GS. Glenis Kathleen Scadding, bệnh viện Tai - Mũi - Họng Hoàng gia Anh, chủ tịch Hội Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, 42% bệnh nhân mắc ít nhất một triệu chứng mức độ vừa và nặng trên mũi, một triệu chứng vừa và nặng trên mắt. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng gây phiền toái cho 93% bệnh nhân trong thời gian ban ngày và 47% bệnh nhân trong thời gian ban đêm.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và đôi khi dễ nhầm với các bệnh khác. Ví dụ chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ngứa mũi là các triệu chứng cơ bản của viêm mũi nhưng cũng là biểu hiện của cúm, viêm đường hô hấp trên… Tình trạng đỏ mắt, ngứa và chảy nước mắt dễ nhầm với viêm kết mạc dị ứng. Ngoài ra, ngay cả khi các triệu chứng này kết hợp, bác sĩ tai - mũi - họng cũng thường ít chú ý đến biểu hiện ở mắt và ngược lại. Hậu quả là chẩn đoán chưa đủ, chẩn đoán sai… dẫn tới điều trị sai, kết quả không khả quan như mong đợi.
Với tâm lý chủ quan, bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường tự ý dừng thuốc khi thấy hết biểu hiện bệnh mà không có ý kiến của bác sĩ. Đến khi các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi… xuất hiện trở lại mới dùng thuốc tiếp, khiến việc điều trị kém hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh nhân ngần ngại dùng thuốc còn bởi cách sử dụng dụng cụ hiện tại gây khó khăn cho bệnh nhân (khó sử dụng, gây đau, chảy xuống họng…), khó dùng cho trẻ nhỏ, phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân có cả triệu chứng mũi và mắt.
Việc sử dụng thuốc trong điều trị nên tuân theo sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để có hiệu quả, kiểm soát tốt các triệu chứng trên cả mắt và mũi. Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Hiện nay thuốc điều trị có các dạng khác nhau như uống, xịt, chích và một số biện pháp khác không cần phẩu thuật. Thuốc kháng histamine làm giảm triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi và viêm kết mạc. Thuốc xịt mũi chứa corticoid điều trị hiệu quả triệu chứng mũi - mắt vì có ái lực và chọn lọc cao với thụ thể glucocorticoid, an toàn cho người sử dụng do thuốc hầu như không gây tác dụng toàn thân (chỉ 0,5%), tập trung kiểm soát triệu chứng ngay vùng bệnh. Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi viêm mũi dị ứng bị bội nhiễm với các biểu hiện như nhức đầu, sốt, nước mũi đục, đau họng. Việc rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9% được khuyến khích.
Tuy nhiên, người mắc viêm mũi dị ứng không nên dùng thuốc chống nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày, vì lạm dụng sẽ gây ra hiện tượng sinh lý phản hồi. Điều này khiến bệnh nhân ngẹt mũi nặng hơn, phải tăng liều, dẫn đến tình trạng viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc. Tốt nhất, bệnh nhân nên tuân theo liệu trình điều trị của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần quan tâm một số lưu ý giúp hạn chế bệnh như: tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích dị ứng, đặc biệt phải giữ ấm cho cơ thể nhất là khi về sáng hoặc mùa lạnh... Khi ra đường hay làm việc trong môi trường ô nhiễm, bạn cũng nên đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, người nghỉ có thể nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giữ vệ sinh vật nuôi trong nhà.
(Nguồn: Tập đoàn Dược phẩm glaxo smith kline )
SG002816