Thạc sĩ, bác sĩ Lê Long Hải, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn cho biết, tai được chia làm ba phần bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó tai giữa gồm chuỗi xương con, vòi nhĩ, hòm nhĩ. Viêm tai giữa tức là viêm vùng hòm nhĩ, thường có tạo dịch trong hòm nhĩ, dễ dẫn đến nhiễm trùng.
bệnh viêm tai giữa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tai bị chảy mủ, tổn thương màng nhĩ, dẫn đến nghe kém, hoặc có thể điếc không hồi phục. Không ít trường hợp, do người bệnh chủ quan nên dịch mủ ăn vào xương tai, ăn vào não, dẫn đến biến chứng nội sọ, có thể gây áp xe não, xuất huyết não, dẫn đến tử vong.
Giữ vệ sinh tai cho trẻ sạch sẽ có thể giúp phòng bệnh viêm tai giữa. Ảnh minh họa: Lê Phương. |
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể tự phát do viêm nhiễm vùng mũi họng hoặc do vi trùng, siêu vi từ bên ngoài xâm nhập vào tai.
Theo bác sĩ Hải, đường vòi nhĩ ở tai giữa thông xuống vùng mũi, vùng VA. Do đó, tình trạng viêm tai giữa xảy ra một phần là do viêm VA, vi trùng xâm nhập theo đường vòi nhĩ lên tai gây viêm nhiễm. So với người lớn, đường vòi nhĩ của trẻ em ngắn hơn, vi trùng lên dễ dàng nên trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn người lớn. Bên cạnh đó, do trẻ nằm nhiều, khi nằm vòi nhĩ nằm ngang, cũng góp phần tạo điều kiện cho vi trùng nhanh lây lan lên tai. Các bệnh lý đường hô hấp cũng có thể là tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, những tác động từ bên ngoài như việc để tai tiếp xúc với môi trường gây viêm nhiễm, do ảnh hưởng của thời tiết cũng có thể gây bệnh.
“Triệu chứng thường gặp của viêm tai giữa là ngứa tai, đau tai, bứt rứt, khó ngủ, thậm chí có thể sốt, chóng mặt. Bệnh tiến triển nặng sẽ gây chảy dịch tai, chảy mủ tai, thủng màng nhĩ và sức nghe giảm. Vì vậy cần nhanh chóng đi khám khi có những triệu chứng nói trên”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Viêm tai giữa cấp có thể khỏi được hoàn toàn, không để lại di chứng nếu điều trị đúng. Tùy từng thể trạng bệnh mà có cách điều trị phù hợp. Hiện nay có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó các phương pháp điều trị nội khoa, phương pháp khám nội soi là chủ yếu, tránh được những thủ thuật, phẫu thuật như trước đây.
Trong điều trị, cần thiết phải dùng các dụng cụ y khoa rửa sạch tai, sạch mủ và sau đó tiến hành dùng thuốc, chủ yếu là kháng sinh, các loại thuốc chống viêm. Hiệu quả nhất là cấy kháng sinh đồ để tránh nhờn thuốc. Cũng có trường hợp cần đặt ống thông vòi nhĩ nếu kháng sinh không hiệu quả hay phải tiến hành nạo VA để trị bệnh.
Việc chẩn đoán và điều trị phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Không ít người cho rằng bệnh này đơn giản nên thường tự đi mua thuốc về điều trị mà không được sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải điếc do gặp những biến chứng của các loại thuốc uống, thuốc nhỏ tai không phù hợp.
Khi sử dụng thuốc, cần phải dùng đủ liều lượng, đủ thời gian theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị giữa chừng, dễ gây kháng thuốc. Nếu đang mắc bệnh, cần tránh đi bơi.
Việc phòng ngừa vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
- Cần giữ vệ sinh tai, môi trường sống sạch sẽ, cẩn trọng khi lấy ráy tai, sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai hợp vệ sinh, dùng một lần.
- Không nên bơi lội khi tai có dấu hiệu đau tai, chú ý giữ tai khô thoáng, vệ sinh tai kỹ sau khi đi bơi, ngâm mình dưới nước.
Với trẻ em, khi trẻ bú xong, ăn uống xong không nên nằm liền vì như đã nói, khi trẻ nằm sẽ tạo điều kiện cho vi trùng (nếu có) từ vùng họng nhanh xâm lấn lên tai.
Cần phát hiện bệnh sớm, điều trị triệt để các ổ viêm vùng mũi họng như điều trị viêm mũi xoang, thường xuyên bị phải cân nhắc nạo VA. Trẻ cần được chữa sổ mũi, ho kịp thời.
Lê Phương