Hình ảnh của virus SARS dưới kính hiển vi. |
Để có được kết luận này, 13 phòng thí nghiệm thuộc mạng lưới nghiên cứu của WHO đã tiến hành đối chiếu đặc điểm của virus với nguyên lý Koch - quy tắc chuẩn để chứng minh một yếu tố nào đó là tác nhân gây bệnh. Theo đó, một nguồn gây bệnh phải thoả mãn 4 điều kiện sau:
- Phải được tìm thấy trong tất cả các trường hợp nhiễm cùng một căn bệnh.
- Được phân lập từ vật chủ và có thể được nuôi cấy thuần chủng.
- Có khả năng gây bệnh trên vật chủ thí nghiệm.
- Phải thể hiện khả năng lây nhiễm từ vật chủ này.
Tiến sĩ Albert Osterhaus, Giám đốc Vi sinh học của trung tâm y tế Erasmus tại Rotterdam, Hà Lan, khẳng định: “Hơn 3 tuần qua, nghiên cứu của WHO đã đi theo hướng giả định về một thành viên mới thuộc họ coronavirus. Giờ đây, nhiệm vụ đầu tiên của mạng lưới thí nghiệm đã hoàn thành. Các nhà khoa học đồng loạt khẳng định loại virus chưa từng được biết đến này là tác nhân gây SARS. Nó sẽ được WHO và các phòng thí nghiệm thành viên đặt tên là virus SARS”.
Mạng lưới các phòng thí nghiệm do WHO thành lập ngay sau khi ban bố lệnh báo động toàn cầu về dịch viêm phổi lạ vào 12/3. Trong đó có sự góp mặt của các chuyên gia khoa học hàng đầu thế giới: Trung Quốc, Canada, Pháp, Đức, Hong Kong, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore, Anh và Mỹ.
Theo tiến sĩ David Heymann, Giám đốc điều hành chương trình bệnh truyền nhiễm của WHO, tốc độ nghiên cứu về dịch SARS hiện nay là đáng ngạc nhiên. Tiến sĩ Klaus Stöhr, một chuyên gia vi sinh của WHO, cho biết, các thành viên trong hệ thống nghiên cứu đã đặt lợi nhuận sang một bên để hợp tác với nhau nhằm tìm ra kẻ giết người giấu mặt đang hoành hành trên thế giới gần nửa năm qua. Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, kiểu hợp tác này là cách đối phó hiệu quả duy nhất với bệnh dịch mới.
Hiện các nhà khoa học hàng đầu thế giới tập trung tại trụ sở của WHO ở Geneve, Thụy Sĩ từ nay đến cuối tuần, lên kế hoạch đối phó với SARS trong thời gian tới. Chiến lược trước mắt là biến những phát hiện cơ bản trong nghiên cứu trên thành các dụng cụ chẩn đoán, cho phép y tế thế giới kiểm soát bệnh dịch hiệu quả hơn. Một số phòng thí nghiệm tiếp tục làm sáng tỏ thông tin gene của virus SARS và so sánh với các loại virus khác.
WHO và cộng đồng y học thế giới quyết định dành sự thành công trong nhận dạng virus SARS để tưởng nhớ tới bác sĩ người Italy Carlo Urbani, người đầu tiên cảnh báo toàn thế giới về sự tồn tại của SARS. Ông đã qua đời ở Bangkok, Thái Lan vào 29/3 vì chính căn bệnh này.
Mỹ Linh (theo WHO)