KA Design tung ra video quảng cáo mẫu áo phông sử dụng biểu tượng Swastika gắn với cờ Đức quốc xã. Hãng giới thiệu: "Hàng nghìn năm trước, Swastika được sử dụng trong nhiều văn hóa, là biểu tượng cho tình yêu, may mắn, sự vĩnh cửu và sự sống. Tới một ngày, chủ nghĩa phát xít xuất hiện. Họ khiến biểu tượng Swastika gắn liền với mình mãi mãi".
Thương hiệu thời trang cho biết họ muốn đưa biểu tượng Swastika trở lại với những ý nghĩa tích cực hơn. Họ lồng ghép logo trên cờ Phát xít Đức với những cụm từ như "hòa bình", "tình yêu" và "thiền". KA Design kêu gọi khách hàng hãy "thách thức mọi ranh giới".
Mỗi chiếc áo phông cộc tay của hãng được rao bán với giá 21,99 USD (khoảng 500.000 đồng) còn dài tay là 26,99 USD (khoảng 613.000 đồng).
Chiếc áo gây tranh cãi của KA Design. |
Đoạn quảng cáo vừa đưa lên mạng xã hội đã nhận nhiều lời bình luận tiêu cực. Một người viết: "Chẳng có cái gì gọi là 'biểu tượng Swastika kiểu mới' cả. Nói thẳng ra, về mặt đạo đức và văn hóa, sự thiếu hiểu biết của các người thật đáng lo ngại. Đóng ngay chiến dịch này lại đi". Những từ ngữ như "kinh tởm", "ngu dốt", "lợi dụng để kiếm chác" được dùng để nhắm vào nhóm thiết kế của KA Design.
Theo ý kiến số đông khách hàng, việc "tái sinh" biểu tượng Swastika là sự sỉ nhục đối với những người đã khuất trong cuộc chiến chống Phát xít Đức khi xưa. Nhiều người yêu cầu KA Design phải gỡ bỏ đoạn quảng cáo và xin lỗi khách hàng.
Biểu tượng Swastika được sử dụng trên cờ của Phát xít Đức. Ảnh: History. |
Không lâu sau, toàn bộ sản phẩm liên quan đều bị các đối tác của KA Design gỡ khỏi website. Trang bán hàng Teespring cho biết họ không ủng hộ các sản phẩm mang thông điệp về thù hận.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Dazed and Confused, đại diện của KA Design cho biết: "Chúng tôi rất thích biểu tượng Swastika cả về hình khối lẫn thẩm mỹ. Công ty muốn chia sẻ niềm yêu thích về vẻ đẹp của biểu tượng này chứ không phải những định kiến về nó. Dự án của chúng tôi là tôn vinh sự chiến thắng của tình yêu trước thù hận, nhất là đối với chủ nghĩa Phát xít".
Người đại diện cho biết ban đầu, thương hiệu này định ra thêm sản phẩm mới, cũng sử dụng biểu tượng Swastika trên trang phục. Tuy vậy, trước phản ứng của thị trường, KA Design mong nhận được sự tha thứ của khách hàng.
Biểu tượng Swastika trên cờ của Phát xít Đức được cho là lấy cảm hứng từ văn hóa của người Aryan (các dân tộc Ấn-Iran). Theo Dictionary of World History (Từ điển Lịch sử thế giới) của Anh xuất bản năm 1994, chủ nghĩa Phát xít coi Aryan là chủng tộc thượng đẳng, có quyền thống trị thế giới, trong đó chủng tộc Đức là tinh túy nhất còn người Do Thái là thấp kém nhất. Quân Phát xít Đức kêu gọi tiêu diệt mọi người Do Thái, gây nên cuộc diệt chủng ở châu Âu. Swastika sau đó bị gọi là "biểu tượng của quỷ dữ".
KA Design nổi tiếng trên các trang bán hàng trực tuyến nhưng trụ sở của thương hiệu này hiện chưa được xác định. Theo BBC, công ty này nằm ở Mỹ nhưng Dazed and Confused lại nói hãng thuộc một nước châu Âu nào đó.