Mùa đông lạnh và hanh khô khiến cho niêm mạc mũi khô, nẻ khiến nó trở nên nhạy cảm bất thường và dễ bị kích ứng.
Viêm mũi dị ứng do lạnh
Mùa đông lạnh và hanh khô khiến cho niêm mạc mũi khô, nẻ khiến nó trở nên nhạy cảm bất thường và dễ bị kích ứng với các tác nhân dễ gây dị ứng như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất…
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi do dị nguyên (không khí lạnh, phấn hoa, khói bụi, hóa chất…) gây ra.
Viêm mũi dị ứng do lạnh cũng tương tự như viêm mũi dị ứng do các tác nhân khác gồm các triệu chứng: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng. Chảy nước mũi liên tục, nước mũi trong, nghẹt mũi. Đau họng thường xuyên, khàn giọng. Mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là lúc ngủ, thường hay ngáy ngủ, nhức đầu.
Tuy không nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng khiến cho người bệnh nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, sức khỏe suy giảm. Nếu để lâu không điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…
Cách phòng tránh: mặc ấm, khi ra đường nên đeo khẩu trang, vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
Cảm lạnh
Cảm lạnh hay gặp khi thời tiết thay đổi, thường vào những ngày lạnh và mưa.
Triệu chứng: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm. Các triệu chứng này là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus chứ không phải do virus gây ra.
Cách phòng chống hiệu quả là rửa tay sạch sẽ và tránh nói chuyện trực tiếp với người mắc bệnh. Không có cách nào chữa trị triệt để cảm lạnh thông thường, mà chỉ có cách chữa những triệu chứng do bệnh gây ra. Nghỉ ngơi, uống nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước muối là các phương pháp đơn giản, hiệu quả.
Các bệnh về da
– Viêm da cơ địa bàn tay, bàn chân: Dân gian quen gọi là á sừng, đây là bệnh hay gặp nhất. Khi thời tiết lạnh, da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy, ở đầu ngón sau đó lan dần hết cả bàn khiến bệnh nhân gặp nhiều khó Khăn trong sinh hoạt.
– Viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh: Hiện tượng này xảy ra ở một số người có cơ địa dị ứng với lạnh. Khi gặp lạnh bất kỳ phần cơ thể nào hở gặp lạnh sẽ có hiện tượng da bị đỏ, ngứa, khô và bong vảy nhẹ
– Viêm da cơ địa: Dân gian thường gọi là bệnh chàm, bệnh thường nặng lên vào mùa đông với các biểu hiện: da khô, đỏ và tróc vảy.
Để phòng ngừa các bệnh về da vào mùa đông bạn cần giữ ấm, dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với từng vùng của cơ thể. Bạn cũng đừng quên uống đủ nước, ăn uống đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa và không nên tắm nước quá nóng.
Các bệnh hô hấp
– Hen phế quản: Mùa đông thời tiết hanh khô, lạnh khiến cho phế quản của bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản trở lên nhạy cảm với những dị nguyên như: phấn hoa, bụi, hóa chất, lông chó mèo… khiến cơn hen dễ bùng phát.
Để phòng tránh bệnh, cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh nơi ở, tránh bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa… và dùng thuốc điều trị dự phòng hen theo đơn để tránh cơn hen phát triển thành ác tính.
– Viêm khí – phế quản cấp: Các tác nhân gây viêm khí – phế quản cấp mùa đông thường là virus cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus đường mũi và các loại khác. Phòng bệnh bằng cách giữ ấm, không để bị lạnh, khi bị bệnh có thể dùng kháng sinh chống bội nhiễm.
– Viêm phổi: Yếu tố gây bệnh là S.pneumoniae, mycoplasma pneumoniae, các virus hô hấp, chlamydia pneumoniae, H. influenza, trực khuẩn Gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người có sức đề kháng yếu cũng như khả năng chịu lạnh kém. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa… nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở… bệnh nhân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
KienThucOnline.Org theo Trí Thức Trẻ