Ho gây rất nhiều phiền toái và mệt mỏi nhất là vào những ngày lạnh giá do nhiễm lạnh hoặc nhiễm virus số người bị ho tăng cao, vậy làm cách nào để chấm dứt cơn ho dai dẳng.
Tại sao chúng ta ho
Ho là một phản xạ bình thường khi có tác nhân gây kích thích trong cổ hong. Có thể là bụi hoặc do nước mũi ở thành sau chảy xuống họng. Ho cũng giúp làm sạch phổi và khí quản của bạn. Ho do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng ho do cảm lạnh và cúm có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng nếu ho do một số bệnh nghiêm trọng hơn thì bạn cần phải điều trị theo nguyên nhân. Tuy nhiên, dù ho do nguyên nhân gì cũng đều làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát cơn ho và dễ chịu hơn.
Điều trị ho tại nhà
Uống nhiều nước hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu cổ họng bị kích thích và làm loãng đờm. Gối đầu cao khi ngủ và có thể uống một chút mật ong trước khi đi ngủ. Nghiên cứu cho thấy mật ong có thể giúp giảm bớt ho.
Thuốc kháng sinh không thể làm bạn ngừng ho: Bởi vì hầu hết ho là do nhiễm virus như cảm lạnh hoặc cúm nên ho có thể tự hết sau một tuần. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với các trường hợp ho do nhiễm vi khuẩn gây ra. Nếu ho kéo dài trên 1 tuần mà không đỡ, hãy khám bác sĩ để loại trừ viêm xoang hay viêm phổi…
Cách làm giảm ho có đờm: Nếu bạn ho ra đờm, hãy tìm một loại thuốc ho giúp long đờm. Thuốc có tác dụng làm loãng đờm giúp bạn có thể dễ dàng khạc đờm ra khi bạn ho. Nếu bạn ho có rất nhiều đờm, hãy đi khám bác sĩ để chọn loại thuốc tốt nhất cho bạn. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh như: Bệnh khí thũng, viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, hoặc hen suyễn vì những bệnh này cần thận trọng khi dùng thuốc giảm ho.
Làm dịu ho khan: Bạn có thể bị ho khan do cảm lạnh hay cảm cúm hoặc do bạn hít phải một cái gì đó khó chịu như bụi hoặc khói. Bạn có thể dùng các loại viên ngậm giảm ho. Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn mình không có tiền sử mắc các bệnh kể trên.
Ho do dị ứng và hen suyễn: Dị ứng có thể làm cho bạn hắt hơi, ho, hoặc cả hai. Thuốc kháng histamin có thể làm giảm ho. Tuy nhiên, nó có thể khiến cho bạn buồn ngủ. Nếu bạn vẫn phải làm việc, hãy chọn một loại thuốc không gây buồn ngủ. Nếu bạn thở khò khè, khó thở, có tiếng cò cử khi bạn thở ra, bạn có thể bị hen suyễn, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Ho ở những người hút thuốc lá: Ở những người hút thuốc lá, sẽ hay bị ho đặc biệt là vào buổi sáng. Nhưng đôi khi ho có thể là một dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn. Khói thuốc lá gây kích thích đường hô hấp, lâu ngày dẫn tới viêm đường hô hấp sẽ dẫn đến bệnh viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn khiến bạn ho thường xuyên. Ho ở người hút thuốc lá cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư. Nếu bạn hút thuốc lá, cơn ho có nhưng dấu hiệu khác thường hoặc kéo dài sau khi đã bỏ thuốc lá trên 1 tháng, hãy đi khám bác sĩ.
Những nguyên nhân gây ho khác: Nếu ho kéo dài hơn tám tuần, có thể do một số nguyên nhân như: Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ho mạn tính, ho cũng có thể là một tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển và ho có thể là một dấu hiệu của bệnh ho gà và suy tim. Tất cả những nguyên nhân này cần được chăm sóc y tế.
Đối với ho kéo dài, bạn cần khám bác sĩ nếu:
– Ho nhiều kèm theo nhiều đờm và đờm lẫn máu
– Thở khò khè, khó thở, hoặc có cảm giác bó chặt ngực
– Bị sốt mà không giảm sau 3 ngày
– Vẫn ho sau 7 ngày mà không đỡ hơn
KienThucOnline.Org theo Trí Thức Trẻ