Ở các mức giá khác nhau, những chiếc đồng hồ cũng sẽ có những đặc điểm khác biệt. Với cùng một mức giá, sau khi trừ đi chi phí thương hiệu, một chiếc đồng hồ cao cấp sẽ có những đặc điểm riêng mà chắc chắn sẽ nằm trong giá thành.
Tuy nhiên, những đặc điểm này sẽ tập trung chính ở phần cấu trúc, thay vì chức năng. Vì với mỗi người, chức năng đồng hồ sẽ thay đổi tùy theo sở thích, đó có thể là một chiếc thời kế tự ghi (chức năng bấm giờ – stop watch), lịch vạn niên, hay chỉnh giờ GMT.
Một chiếc đồng hồ hàng hiệu có thể tạm được chia ra làm mức khác nhau theo tiêu chí về giá: Từ 300 đến dưới 1000 USD, từ 1000 đến dưới 20.000 USD và trên 20.000 USD.
Dưới đây sẽ là những đặc điểm bạn cần biết đối với một chiếc đồng hồ có mức giá từ 300 đến dưới 1000 USD.
1. đồng hồ nam mặt đá Sapphire
Trong quá khứ đã từng có khá nhiều loại pha lê khác nhau, nhưng hiện nay, hầu hết các loại đồng hồ bạn thấy trên thị trường đều có bề mặt thuộc một trong hai loại pha lê: kính khoáng (mineral glass) hoặc sapphire nhân tạo.
Mặt kính khoáng thường rẻ hơn, nhưng lại có ưu điểm là không thể vỡ vụn, dù chúng có thể bị rạn hay móp. Đối với mặt sapphire, chúng sẽ bị vỡ, nhưng chỉ khi gặp lực cực kỳ mạnh (một điều rất hiếm).
Mặt sapphire màu xanh lá cây của Rolex
Một chiếc đồng hồ càng tốt thì mặt sapphire sẽ càng dày, và nguy cơ bị vỡ thấp hơn. Ngoài ra, mặt sapphire cũng có khả năng chống xước rất tốt. Đôi khi, một chiếc đồng hồ đã bị hỏng nhưng lại bề mặt lại hầu như không tì vết.
Đó là lý do tại sao bề mặt pha lê sapphire được ưa chuộng và có giá cao hơn.
2. Có kết cấu từ kim loại đặc
Điều này có vẻ như hiển nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Bạn sẽ khá ngạc nhiên nếu biết được cách mà một số những nhãn hiệu đồng hồ đã làm để cắt giảm chi phí. Những chiếc đồng hồ tốt nên được làm từ thép không gỉ 316L.
3. Xuất xứ Thụy Sỹ hoặc Nhật
Thụy Sỹ là một quốc gia nổi tiếng về đồng hồ. Nhật bản cũng vậy, nhưng không phải tất cả các loại máy đều giống nhau.
Phần lớn các loại máy đồng hồ Thụy Sỹ, đặc biệt là đồng hồ quartz (đồng hồ hoạt động dựa theo cơ chế sinh công từ tinh thể thạch anh và cần dùng pin) đều do hai tập đoàn ETA hoặc Ronda sản xuất. Những nhãn hiệu đồng hồ quartz của Nhật gồm có Seiko, Citizen và Casio.
Và với giá tiền trên 300 USD, bạn nên lựa chọn những loại máy đến từ các quốc gia này. Bạn nên tránh xa các loại máy của trung Quốc, mặc dù không phải đồ nào xuất xứ từ Trung Quốc cũng là đồ “tàu”.
Tuy nhiên, đồ Thụy Sỹ và Nhật sẽ là sự lựa chọn thông minh hơn.
4. Khớp
Một chiếc đồng hồ đắt tiền nên mang đến cảm giác chắc chắn. Khi đeo đồng hồ vào tay, hãy kiểm tra phần dây xem nó có khớp với phần máy hay không.
Ngoài ra, phần chốt ở tay của một chiếc đồng hồ tốt sẽ hoạt động êm ái và trơn tru, thay vì tạo ra những tiếng động lách cách khó chịu.
5. Có thể điều chỉnh được nấc khóa kim loại
Một chiếc khóa có hai nấc
Những loại đồng hồ dây kim loại có giá thành thấp thường chỉ có một nấc khóa. Với những chiếc đồng hồ đắt hơn, bạn có thể lựa chọn loại hai hoặc ba nấc khóa.
6. Được thiết kế bởi những nhà sản xuất đồng hồ chính hiệu
Không phải chiếc đồng hồ thời trang nào cũng tốt
Sản phẩm của những nhà thiết kế thời trang có thể sẽ rất đẹp, nhưng họ thường không am hiểu thực sự về chức năng của đồng hồ. Do đó, rất có thể chiếc đồng hồ của bạn có thể bị sai sót những chức năng cơ bản như bị thiếu mất đĩa số quay ghi thời gian, mốc thời gian bị lệch…
Việc mua đồng hồ đắt tiền từ những nhãn hiệu thời trang là khá phổ biến. Nhưng bạn nên dành thời gian cho những nhà sản xuất đồng hồ thực thụ và cảm thấy tự hào về sản phẩm mà mình đã mua.
7. Độ nặng tay
Trên thực tế, đánh giá một chiếc đồng hồ tốt thông qua việc cầm một chiếc đồng hồ cảm thấy “nặng tay” tùy thuộc khá nhiều vào sở thích cá nhân. Một số người thích loại cầm “đầm tay”, trong khi số khác lại thích đồng hồ nhẹ.
Những chiếc đồng hồ đắt tiền, được làm từ titanium thường nhẹ hơn thép. Ở mức giá này, bạn cũng có thể tìm thấy đồng hồ được làm từ chất liệu này, nhưng không phải là chất lượng tốt.
Vì vậy, với đồng hồ có giá dưới 1000 USD, bạn nên lựa chọn một chiếc đồng hồ bằng thép, có độ nặng chắc tay.
8. Dấu của nhà sản xuất
Những nhà sản xuất luôn cảm thấy tự hào với một chiếc đồng hồ tốt. Bạn có thể tìm thấy dấu được khắc bằng laze sắc nét của nhà sản xuất ở bốn vị trí: trên mặt đồng hồ, phía sau khung máy, viền cạnh khung, và phần chốt ở dây. Những chiếc đồng hồ rẻ tiền thường không có logo hay dấu hiệu của nhà sản xuất trên phần cạnh khung và phần chốt ở dây.
9. Độ phản quang tốt
Không phải tất cả những chiếc đồng hồ đều có độ phản quang trong không gian tối và chất lượng độ phản quang này có khá nhiều sự khác biệt.
Thông thường, chỉ có những chiếc đồng hồ thể thao hoặc theo phong cách thường ngày mới có số đánh dấu giờ phản quang. Độ phản quan tốt nên rõ nét, kéo dài vài giờ và có thể “sạc” lại dưới ánh mặt trời.
Những chiếc đồng hồ từ Nhật Bản thường có độ phản quang tốt nhất. Hãy tìm những nhãn hiệu như LumiNova hoặc SuperLumiNova.
10. Giá bán không chênh lệch nhiều
Có thể, giá bán tại những cửa hàng được ủy quyền chính thức và không chính thức sẽ có sự chênh lệch. Tại các cửa hàng bán lẻ (không ủy quyền chính thức), thường thì giá có thể rẻ hơn khoảng 10%. Đó là mức chiết khấu chấp nhận được. Còn không, bạn hãy đặt câu hỏi nếu như giá chúng chênh lệch nhau đến tận 25-30%.
Theo Chanelvn