Trước sự việc quần jeans bị cấm lên giảng đường của một trường đại học, Chủ tịch Hội đồng Quần áo quyết định mở một phiên họp đặc biệt khẩn cấp để tìm hiểu xem lý do gì khiến quần jeans bị cấm “đi học”.
Tại phiên điều trần, quần jeans đã có bài phát biểu đầy cảm xúc về sự ra đời, thăng trầm lịch sử và nhiệm vụ trĩu nặng trên vai mình. Quần jeans hùng hồn nói rằng sự phát kiến ra quần jeans có thể sánh ngang với việc tổ tiên chúng ta dùng lá cây làm quần áo thời cổ đại. Thậm chí quần jeans còn trở thành một trong những biểu tượng của xã hội phương Tây vào thế kỷ 20.
Cụ thể, đây luôn được xem là biểu tượng cho tuổi trẻ, sự phản kháng, tự do và cho chủ nghĩa cá nhân của mọi tầng lớp nhân dân ở phương tây. Theo thống kê của các nhà sản xuất, nhà kinh tế, đây còn là y phục được bán nhiều nhất trên thế giới. Cả hai giới tính và mọi tầng lớp xã hội, thuộc nhiều nền văn hóa đều có thể mặc jeans.
Vậy thì hà cớ gì trong xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ này, quần jeans lại bị lên án, phải nhận nhiều lời chỉ trích, nhiều ý kiến trái chiều, tới mức quần jeans còn bị cấm cả đi học?!
Trường ĐH Cửu Long vừa ra quy định ngặt nghèo về trang phục của sinh viên, giảng viên
Trước những mũi tên dư luận đang hướng về phía mình, quần jeans thẳng thắn lên tiếng.
Bản thân quần jeans thật đặc biệt, từ xuất thân đến nguồn gốc của mình. Nó ra đời là vì cuộc sống, vì sự than phiền, cùng khổ của người lao động vì không có 1 chiếc quần đủ bền để mặc, nó là biểu tượng của tuổi trẻ sôi nổi, tự do và đầy cá tính.
Chỉ với quần jean, tuổi trẻ mới cảm nhận mình đã trưởng thành, mình “đã sống, đang sống và biết sống”. Biết bao người lao tâm khổ tứ tìm hiểu về khả năng chinh phục và công phá của jeans, để rồi nhận ra jeans thật cá tính và đa dạng, bất tử và không bao giờ lỗi mốt, hơn nữa giá thành của jeans lại rất phù hợp với kinh tế của từng người sử dụng.
Bản thân quần jeans luôn cố gắng để không phụ sự yêu mến của mọi người dành cho mình. Jeans thay đổi bản thân từ kiểu dáng, chất liệu, màu sắc để cốt sao cho phù hợp với thị hiếu của người dùng, phù hợp với xã hội ngày càng hiện đại.
Điển hình mẫu mực nhất chính là sự ra đời của quần jeans rách. Cá tính và sành điệu là hai từ dành riêng để nói về quần jeans rách. Quần jeans rách có nhiều biến tấu và cũng có rất nhiều mức độ. Rách nhiều, rách ít, rách dưới dạng đường xước hoặc thủng lỗ chỗ… quần jeans rách thực sự lên ngôi với nhiều phong cách khác nhau.
Trước vị Chủ tịch Hội đồng Quần áo, quần jeans cho biết, đã luôn cố gắng thật nhiều mỗi ngày, hòa hợp với thật nhiều bạn áo khác nhau từ sơ mi cổ điển, hiện đại đến áo phông, áo thun để được cùng đi làm, đi học với tất cả những ai yêu mến quần jeans.
Trước vị Chủ tịch Hội đồng Quần áo, quần jeans cho biết, đã luôn cố gắng thật nhiều để giúp các bạn sinh viên đẹp hơn mỗi ngày (ảnh minh họa)
Vậy mà gần đây, quần jeans lại bị cấm đi học, bị lên án vì cho rằng quần jeans không “đủ tư cách” để mang lại sự thanh lịch cho sơ mi, rằng quần jeans kết hợp với áo thun là thiếu tế nhị. Ngay cả jeans rách cũng bị lên án gay gắt khi các bậc phụ huynh cho rằng trông chúng như những chiếc “rẻ lau”, hay chiếc quần cắt dở.
Quả thật, có đôi lúc quần jeans đã vượt qua ranh giới mong manh của phản cảm và sành điệu khi ngày một xuất hiện nhiều những chiếc quần jeans với đủ kiểu rách rưới, tơi tả, te tua, hay những chiếc quần jeans “lưng quá ngắn” khiến cô bạn vòng 3 bị phơi bày.
Có oan uổng quá chăng khi gán cho quần jeans cái tội làm hư nhân phẩm con người? Lỗi có phải do một mình quần jeans hay còn do những nguyên nhân nào khác. Ví dụ như quần jeans rách thật trẻ trung, cá tính và sành điệu rất phù hợp cho những ngày dạo phố, dã ngoại, party nhưng liệu có phù hợp khi bước chân lên giảng đường.
Vẫn luôn đồng ý với quan điểm “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng liệu nhìn vào một sân trường với hàng loạt những chiếc quần jeans rách đang bay nhảy thì người ta có nhầm tưởng rằng đó là 1 sàn diễn thời trang. Và những chiếc quần jeans cạp trễ đã trở thành tội đồ của sự phản cảm khi bước chân lên giảng đường vì sự sành điệu đi lệch hướng.
Có oan uổng quá chăng khi gán cho quần jeans cái tội làm hư nhân phẩm con người? (ảnh minh họa)
Người ta nói trang phục của sinh viên phản ánh bộ mặt cho nhà trường không hẳn là sai, nhưng bộ mặt của nhà trường còn được đánh giá qua phẩm chất, tác phong, cách ứng sử văn hóa của người học chứ không phải chỉ thông qua 1 bộ trang phục. Vậy nên đừng vội vàng đổ lỗi cho quần jeans vì có chăng nó còn là sự ý thức.
Môi trường học tập càng hiện đại thì sinh viên càng được tự do thể hiện sở thích cá nhân, trong đó có việc lựa chọn trang phục cho mình, miễn sao sở thích cá nhân đó, trang phục đó phù hợp với quy chuẩn cộng đồng, không phản cảm, lố lăng, dị hợm.
Một lần nữa, quần jeans thống thiết kêu gọi giới trẻ nói riêng hay tất cả những ai mặc quần jeans nói chung hãy trả lại sự chân phương, đúng nghĩa cho mình. Hãy để cho tuổi trẻ và quần jeans được cùng sánh bước bên nhau trên khắp mọi nẻo đường phía trước!