(Mentday.vn) – Trong thời trang đương đại, denim đang ngày một trở thành một khái niệm phổ cập. Không đơn thuần chỉ dừng lại ở một chất liệu, denim đang xây dựng cho mình một “đế chế” riêng với văn hóa nhất định. Những người ưa chuộng denim chắc hẳn đều đã nghe đến denim Nhật Bản, loại denim nổi tiếng bởi sự cao cấp và tinh tế. Nhưng bạn có biết rằng, lịch sử của denim Nhật Bản còn gắn liền với cả sự phát triển của công ty ô tô Toyota ngày nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
1. Cấu tạo của denim
Để hiểu được tại sao denim Nhật lại vượt trội so với những loại denim khác, đầu tiên ta phải hiểu được cấu tạo của denim.
Denim là một loại vải dệt chéo sợi, trong đó sợi ngang được dệt dưới hai hay nhiều sợi dọc, trong đó chỉ sợi dọc mới được nhuộm, còn các sợi ngang vẫn giữ màu nguyên thủy là trắng. Do đó, màu xanh của denim khá đặc biệt, và sự ra đời của nó cũng tạo nên mới trong thế giới thời trang – “xanh denim”, hay còn gọi là xanh chàm (do được nhuộm từ bột chàm).
Hầu hết denim ngày nay nhuộm màu tổng hợp do chúng rẻ và chứa ít tạp chất hơn, trong khi đó denim cao cấp lại thường dùng màu tự nhiên. Do đó, những tín đồ denim thực thụ sẽ mặc jeans hàng tháng, thậm chí cả năm trước khi giặt chúng lần đầu vì sau lần giặt đầu tiên, chúng sẽ tạo ra những vệt phai và nếp gấp đặc biệt tạo nên cá tính riêng cho mỗi người dùng.
“Selvage denim” – biên vải denim, là phần rìa (biên) của một cuộn vải denim. Phần biên này được dệt thành một sọc trắng không dính màu nhuộm và thường được đặt dọc theo đường may thân quần. Phần cạnh này được dệt theo kỹ thuật cũ, giúp mép vải hoàn toàn liên kết nhau mà không cần phải khâu lại. Và không phải cuộn vải denim nào cũng có phần biên, những cuộn vải có biên thường có giá cao hơn, bởi độ rộng của cuộn vải loại này thường chỉ giới hạn trong khoảng 31 – 34 inches (khoảng 78 – 86 cm), trong khi đó, vải không biên, có độ rộng gần gấp đôi.
Tuy nhiên, về chất lượng, hai loại vải này không khác nhau.
2. Câu chuyện của Toyota
Trước đây, các loại vải đều được dệt bằng những kỹ thuật cũ và kém năng suất. Mọi chuyện đã thay đổi khi công ty lớn thứ 11 trên thế giới, tập đoàn Toyota bước vào lĩnh vực dệt và mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành này.
Có lẽ ít người biết rằng trước khi sản xuất ra những chiếc xe được ưa chuộng nhất thế giới, ban đầu Toyota chính là một công ty chuyên về dệt vải sử dụng kỹ nghệ cơ khí dưới cái tên Toyoda Automatic Loom Works. Người sáng lập công ty, Sakichi Toyoda, đã trình làng máy dệt tự động Model G có khả năng tự động thay con thoi mà không cần dừng máy cùng nhiều cải tiến khác, nâng hiệu quả sản xuất lên đến 20 lần lần so với các máy dệt cùng thời. Phải mất vài thập kỷ để những chiếc máy này sản xuất ra denim, nhưng đó chính là một bước tiến quan trọng đưa chúng ta đến với ngành thời trang phát triển ngày nay.
3. Người Mỹ mang denim đến Nhật
Trước Thế chiến II, jeans gắn liền với hình ảnh với tầng lớp lao động và binh lính Mỹ, biểu hiện sự bền bỉ và mạnh mẽ. Tuy nhiên sau chiến tranh, jeans đã trở thành biểu tượng của sự phá cách nổi loạn của thanh niên, khi “huyền thoại” James Dean mặc chúng trong phim “Rebel Without A Case” vào năm 1955.
Khi đó, văn hóa Mỹ và quần áo vintage đã nhanh chóng mê hoặc những người Nhật Bản trẻ tuổi và tạo cơ hội lớn cho những cái đầu kinh doanh nhạy bén. Họ nhập lại các mẫu jeans kinh điển của Mỹ và bán lại với giá cao ngất ngưởng. Chính nhu cầu tiêu thụ tăng cao cùng sự ám ảnh về văn hóa đã thúc đẩy việc sản xuất jeans trong nước, lớn nhất phải kể đến các nhà máy ở Kojima, Okayama.
“Rebel without a cause” – bộ phim đã làm nên cơn sốt quần Jeans ở Nhật
Vào tháng 4 năm 1965, tại Kojima, xưởng Kurabo, một trong những xưởng may hoạt động lâu đời nhất trên thế giới (hơn 110 năm), những chiếc quần jeans đầu tiên của Nhật đã ra đời, từ chính những chiếc máy dệt Toyoda, tất nhiên, vẫn dưới những thương hiệu Mỹ. Vào khoảng thời gian này, denim Nhật Bản phát triển mạnh mẽ với ba cái tên: BIG JOHN Jeans, Canton Jeans và Levi’s, họ đều đặt hàng tại xưởng may của người Nhật. Do đó, người Nhật vẫn nuôi khao khát sản xuất được loại denim của chính mình.
4. Sự vươn lên của denim Nhật Bản
Vào năm 1972, sau 8 lần thử nghiệm, xưởng Kurabo cuối cùng đã sản xuất được biên vải denim mang tên: KD-8 (Kurabo Denim 8). Tất cả các mảnh ghép đã sẵn sàng chờ được ghép lại. Một năm sau đó,1973, chuỗi sản phẩm “M”, sản xuất bởi BIG JOHN cùng Kurabo KD-8, là chuỗi sản phẩm đầu tiên mà mọi công đoạn đều được sản xuất trong nước.
Từ đó denim Nhật Bản trở nên nổi tiếng bởi đáp ứng được cả hai tiêu chí căn bản và khắt khe tạo nên một chiếc quần jeans chất lượng: biên vải được dệt theo kỹ thuật cũ và màu nhuộm tự nhiên. Tất nhiên không phải mọi chiếc quần jeans Nhật Bản đều có chất lượng giống nhau. Tuy nhiên phải đến cuối thập niên 90, khi các nhãn hàng jeans xa xỉ bùng nổ thì thế giới mới bắt đầu chú ý đến sự phát triển âm thầm của nghệ thuật denim Nhật Bản.
5. Nhật Bản: trung tâm của denim cao cấp
Một trong những người tiên phong trong việc sản xuất denim chất lượng cao là Hidehiko Yamane, người sáng lập ra Evisu. Sử dụng phương pháp của những người tiền nhiệm, Yamane có thể làm ra 14 cặp “selvage denim” mỗi ngày theo lối truyền thống cùng biểu tượng con mòng biển được vẽ bằng tay (sau này đã sớm trở thành biểu tượng huyền thoại).
Với ý tưởng ban đầu chỉ thể hiện sự tôn kính Levi’s classic 1944 501 xx, Evisu được tách ra và sớm được tôn sùng bởi những người yêu thời trang đường phố và trở thành hãng denim đầu tiên bán mỗi chiếc quần với giá trên 100 USD.
Theo Chanelvn