Raf Simons vốn là một nhà thiết kế không bị ám ảnh bởi dĩ vãng, ông thích nhìn về phía trước thay vì ngẫm nghĩ về những gì đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, trong bộ sưu tập thu đông cao cấp lần này của Christian Dior, người ta nhận ra rằng dường như Simons đang hoài cổ về quá khứ huy hoàng của Dior trong nhiều giai đoạn. Simons rất tò mò về cách mà Dior trong từng thời kỳ khác nhau tạo nên sức ảnh hưởng trong nền công nghiệp thời trang, về những gì mà thế hệ đi trước của Dior như John Galliano hay Yves Saint Laurent tạo nên cảm hứng vô tận cho những thế hệ sau này. Và hơn thế, Simons từng chia sẻ rằng ông tìm thấy mình khi suy nghĩ về niềm đam mê của christian dior với thời kỳ Belle Époque ( Belle Époque là một từ tiếng Pháp, có nghĩa là "Thời kỳ tươi đẹp", được dùng để chỉ một giai đoạn chủ yếu ở châu Âu từ khoảng cuối thế kỷ 19 tới cho năm 1914, trước khi nổ ra Thế chiến thứ nhất) và ông tự hỏi chính mình: "Nếu như tôi được làm việc tại thời điểm đó, liệu điều gì sẽ khiến tôi quan tâm: khoa học, công nghệ hay nghệ thuật? Điều gì sẽ khiến tôi cảm thấy phấn khởi nhất".
Show trình diễn bộ sưu tập thu đông cao cấp 2014/2015 của Christian Dior lần này được chia thành 8 nhóm nhỏ theo từng thế kỷ huy hoàng của Dior: từ những bộ trang phục được lấy cảm hứng từ bộ đầm phồng của Nữ đại công tước Marie Antoinette trong phần mở đầu show diễn đến những bộ jumpsuit mang phong cách phi hành gia, sau đó trở lại với hình những chiếc áo khoác "thẩm phán" và tiếp đó, một lần nữa lại hướng đến những thiết kế mang hơi thở của thế kỷ 20. Những người mẫu của mỗi nhóm xuất hiện trên một sân khấu hình tròn, giống như một bệ phóng trong bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng lại rất lãng mạn với những bức tường cong cong được bao phủ bởi hàng ngàn bông hoa lan. Trong âm thanh nhẹ nhàng của bài hát Sonic Youth, các người mẫu bước đi uyển chuyển, phô diễn những bộ trang phục từ nhiều góc độ, lúc phức tạp có lúc lại rất đỗi tinh khiết.
Không gian thu đông cao cấp của Dior là sự pha trộn giữa vẻ đẹp của quá khứ, hiện tại và cả tương lai
Lần này, Simons phát huy hết vẻ đẹp của Dior trong quá khứ, tiếp nối những giá trị mà thế hệ đi trước đã để lại
Những bộ đầm phồng được lấy cảm hứng từ trang phục của Nữ đại công tước Marie Antoinette mở đầu bộ sưu tập lần này
Tiếp sau đó, ông lại "phóng" cảm hứng của người xem đến với những bộ jumpsuit mang phong cách của một phi hành gia
Chiến tích của Simons trong bộ sưu tập lần này là đã biến truyền thống mang tính lịch sử của Dior trở nên hiện đại hơn. Ông đã đạt được yếu tố đó thông qua việc sử dụng những chất liệu thật nhẹ nhàng. Bạn có thể cảm nhận được vẻ bồng bềnh của những bộ đầm hoa lụa của thế kỷ 18 hay những bộ suit từ chất liệu vải dù. Một điều khác biệt nữa mà Simons đã tạo ra là ông khẳng định rằng thời trang Couture không nhất thiết chỉ dành cho những dịp thật đặc biệt. Vẻ đẹp xa xỉ thực sự không chỉ nằm ở việc nó đắt đỏ như thế nào mà còn thể hiện ở việc các tín đồ có thể kết hợp nó với tủ đồ mặc hàng ngày. Trong bộ sưu tập có thể thấy rõ, Simons đẩy cao tính ứng dụng của các thiết kế Couture bằng cách kết hợp những chiếc áo khoác dáng dài có thiết kế cổ Sam hay những chiếc áo khoác court coat được làm từ chất liệu nhung, len và thậm chí là da lông cừu caracun cũng được cân bằng vẻ đẹp xa hoa khi được kết hợp với quần âu và áo len cổ điển.
Simons đã biến truyền thống mang tính lịch sử của Dior trở nên hiện đại hơn.
Sự kết hợp của các chất liệu cao cấp với thiết kế mang tính ứng dụng là cách để Simons chứng minh rằng thời trang Couture không nhất thiết chỉ sử dụng trong những dịp đặc biệt
Những chiếc áo khoác dáng dài, từ chất liệu lông cừu caracun kết hợp với quần âu mang đến một phong cách rất thân thiện cho dòng thời trang Couture
Simons phát huy vẻ đẹp truyền thống của Dior trong từng nét thiết kế thanh lịch