1. The Grand Budapest Hotel - Nhà thiết kế Milena Canonero
Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Wes Anderson được giới chuyên môn đánh giá cao cả về nội dung lẫn hiệu ứng hình ảnh. Bộ phim mang lại cho khán giả cảm giác choáng ngợp về thị giác khi thiết kế đồng phục nhân viên khách sạn theo tông màu tím than mơ màng, hoàn toàn đối lập với sắc đỏ rực và hồng chói của những bức tường trong khách sạn.
Với kinh nghiệm từ những bộ phim như Marie Antoinette, Chariots of Fire, Barry Lyndon, hầu hết trang phục trong phim lần này đều do chính nhà thiết kế 69 tuổi đến từ Italy Milena Canonero tạo nên. Bên cạnh đó, bà cũng nhờ sự trợ giúp của nhà mốt Prada với bộ va li 21 chiếc được bọc da và chạm khắc cầu kỳ, hay nhờ đến nhà mốt Fendi với kiểu viền lông chồn đặc trưng trên áo khoác của Madame D.
Trong phim, Canonero biến nhân vật Madame D (Tilda Swinton thủ vai) thành một tín đồ thời trang thực sự. Hình ảnh của bà mang hơi hướng cổ điển của giai đoạn Belle Epoque từ thế kỷ 19: mái tóc giả đồ sộ gợi nhớ đến hình ảnh của hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, trang sức ngọc trai theo phong cách art-deco, áo khoác đỏ huyết dụ và bộ đầm màu vàng mù tạt cũ trông như di tích còn lại của một thời tuổi trẻ đã bị lãng quên. Đó là chưa kể đến những bộ suit sang trọng của nhân vật nam chính cũng được Canonero may đo tỉ mỉ và đa dạng theo nhiều kiểu dáng khác nhau trong phim.
Với kinh nghiệm ba lần giành Oscar trong 9 lần được đề cử của nhà thiết kế Canonero, cộng với việc giành thắng lợi ở hạng mục "Trang phục xuất sắc" tại giải tiền Oscar như BAFTA, The Grand Budapest Hotel được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng cho giải thưởng này của Oscar năm nay.
2. Inherent Vice - Nhà thiết kế Mark Bridges
Theo quan điểm của nhà thiết kế Mark Bridges, trang phục cũng có nhiệm vụ kể lại câu chuyện giống như nhân vật. Vì thế, những bộ trang phục được làm thủ công trong Inherent Vice đậm chất vintage và phản ánh đúng đặc điểm nhân vật cũng như phù hợp với giai đoạn hippie ở Los Angeles vào thập niên 1970. Đó là bộ suit bằng nhung tím với hai túi trước ngực, áo khoác quân đội sờn cũ cho đến áo sơ-mi chambray thêu họa tiết hay bộ minidress màu mơ đáng yêu. Tuy nhiên, khi được hỏi thiết kế yêu thích nhất, nhà thiết kế lại chọn mẫu áo tắm cut-out táo bạo và gợi cảm của nhân vật Sloan Wolfmann, lấy cảm hứng từ nhà thiết kế Rudi Gernreich của thập niên 1960.
Khi tham gia vào bộ phim mới nhất của đạo diễn Paul Thomas Anderson, nhà thiết kế Mark Bridges nhận được đề cử Oscar thứ hai, sau chiến thắng đầu tiên với tác phẩm The Artist. Dù vậy, trang phục trong Inherent Vice không có điểm nhấn đặc sắc nên được đánh giá khó có cơ hội cạnh tranh với các ứng cử viên tiềm năng khác.
3. Into the Woods - Nhà thiết kế Colleen Atwood
Cũng từng giữ đến ba tượng vàng Oscar tại hạng mục này, Colleen Atwood trở thành cái tên rất quen thuộc của Hollywood với những tác phẩm đặc sắc như Chicago, Memoirs of a Geisha và Alice in Wonderland.
Năm nay, bộ phim nhạc kịch mang màu sắc cổ tích Into the Woods tiếp tục lọt vào danh sách đề cử nhờ những thiết kế hết sức hào nhoáng, bay bổng và sáng tạo của nhà thiết kế 66 tuổi. Từ bộ đầm chiffon xanh cầu kỳ tỏ ra ăn ý với mái tóc xanh của mụ phù thủy (Meryl Streep thủ vai), đầm xanh quý phái của Cô bé Lọ lem, đầm sheer hồng pastel đáng yêu của công chúa Rapunzel cho đến kiểu áo choàng quen thuộc của Cô bé quàng khăn đỏ, tất cả chất liệu, hoa văn và màu sắc đều mang hơi hướng của gỗ, của rừng cây và thiên nhiên.
Tuy không được đánh giá cao nhất trong số các ứng cử viên, nhưng cơ hội dành cho Into the Woods vẫn còn rất nhiều bởi chất cổ tích và chất nhạc kịch ấn tượng.
4. Maleficent - Nhà thiết kế Anna Sheppard
Tuy chỉ có 8 tuần để hoàn thành mọi thứ, nhưng nhờ có Anna Sheppard và đội ngũ thiết kế gồm 15 người, Angelina Jolie đã hóa thân thành công thành nhân vật phản diện hắc ám nhưng thời trang và đáng nhớ nhất của Disney.
Tạo hình Tiên Hắc Ám ấn tượng được làm từ lông vũ, da, xương và thậm chí cả răng động vật. Những bộ trang phục đạt được sự chuyển đổi tinh tế, ban đầu từ màu rêu và chất liệu bay bổng chuyển dần sang màu đen với các chất liệu càng lúc càng nặng nề. Bên cạnh đó, các chi tiết như áo giáp quân đội hoàng gia, trang phục hoang dại của tiên rừng cho đến phong cách ngọt ngào nhưng trưởng thành của công chúa Aurora đều lấy cảm hứng từ thời Trung Cổ, trải dài từ thế kỷ 13 đến giai đoạn Phục hưng. Kèm theo đó là chút cảm hứng từ Nhật Bản, Đông Âu và đặc biệt của nhà mốt lập dị Alexander McQueen.
Với bộ phim mang màu sắc cổ tích Maleficent, đây là đề cử Oscar thứ ba mà nhà thiết kế Sheppard nhận được ở hạng mục này, và là lần đầu tiên sau 12 năm, kể từ tác phẩm The Pianist năm 2002. Cô cũng là người duy nhất trong năm ứng cử viên chưa từng nhận được tượng vàng cao quý. Nếu trong một năm khác, hẳn Maleficent sẽ có nhiều hy vọng hơn. Nhưng trong mùa Oscar năm nay, phim chỉ nhận được một đề cử và chưa thắng giải tiền Oscar nào nên khả năng giành chiến thắng không được kỳ vọng nhiều.
5. Mr. Turner - Nhà thiết kế Jacqueline Durran
Nhà thiết kế Jacqueline Durran nhận được đề cử thứ tư khi hợp tác cùng đạo diễn Mike Leight trong bộ phim Mr. Turner, nói về cuộc đời của bậc thầy "họa sĩ ánh sáng" J.M.W. Turner của nước Anh. Như thường lệ, thay vì căn cứ trên tranh vẽ, Durran sẽ sưu tầm hình chụp nhân vật cũng như sách hướng dẫn cách ăn mặc của giai đoạn đó để nắm bắt được gu thời trang thực sự của từng thời kỳ.
Trước Mr. Turner, nhà thiết kế từng được trao tượng vàng Oscar năm 2012 với những thiết kế lộng lẫy trong tác phẩm Anna Karenina của đạo diễn Joe Wright. Bản thân Durran nhận xét rằng lần hợp tác này khác hẳn với hai năm trước. Leigh muốn rằng trang phục trong phim phải bụi bặm, cũ kỹ và sờn rách y như thực tế, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bảng màu trang phục sẽ mờ nhạt, thiết kế không thời trang cũng như không có điểm nhấn. Điều này có phần lệch pha với gu trang phục hào nhoáng và xa xỉ trong những bộ phim lịch sử hay cổ tích, vốn được hội đồng giám khảo ưa chuộng hơn.
Sao Mai