Mỗi quốc gia có những cách ứng xử đặc biệt cũng như cấm kị trong đời sống hàng ngày mà đôi khi khách du lịch không thể nắm hết được. Với Nhật Bản – một đất nước hiện đại hàng đầu thế giới với ti tỉ những thứ “khó đỡ” và vui nhộn, họ vẫn có những chuẩn mực ứng xử riêng và có phần khá kì lạ, đó chính là…
1. Khi tiễn khách, chờ cho họ khuất dạng rồi mới được quay vào nhà
Ở các nhà hàng Nhật, những nhân viên sẽ cúi chào khách cho đến khi không nhìn thấy họ nữa. Ngay cả khi có khách đến chơi nhà, dù là sếp, người lớn tuổi hơn hay bạn bè thân thiết, chủ nhà cũng có thói quen đợi cho đến khi khách đi hẳn rồi mới trở vào nhà. Vì sao người Nhật lại “thích chờ” như vậy?
Người Nhật sẽ không vào nhà cho đến khi khách thật sự khuất dạng. (Ảnh: Internet)
Với người Nhật, sự chờ đợi này thể hiện sự tôn trọng đối với khách, đồng thời thể hiện phép lịch sự, tính hiếu khách của chủ nhà. Việc chủ nhà vội vã quay lưng đi sẽ khiến người khách vô tình cảm thấy mình bị xem thường.
2. Không ngồi bắt chéo chân
Ở nhiều nước trên thế giới, ngồi bắt chéo chân là một hành động rất bình thường nhưng tại Nhật, hành động này bị cho là bất lịch sự vì nó sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang “thái độ” hoặc tự coi mình là cái rốn của vũ trụ.
Ngồi bắt chéo chân dễ bị cho là đang “thái độ” hoặc tự coi mình là cái rốn của vũ trụ. (Ảnh: Internet)
Từ nhỏ, các em bé đã được bố mẹ dạy rất kĩ về dáng ngồi: lưng thẳng, hai chân sát vào nhau và đặt tay lên đầu gối. Tư thế ngồi này có ý nghĩa rằng “Tôi đang rất chăm chú vào câu chuyện của bạn đây”. Mặt khác, Nhật Bản là đất nước của những chiếc chiếu cói tatami, nên tư thế ngồi quỳ bằng đầu gối là kiểu ngồi chính thức ở đất nước này. Người Nhật xưa cho rằng nếu bạn chỉ mũi chân vào ai đó, người đó sẽ không ngủ được, vì vậy mà cho đến nay, họ vẫn duy trì tư thế ngồi tránh chĩa mũi chân vào người khác.
3. Phải rót đầy li
Rót bia rượu cũng cần được huấn luyện, bạn có tin không? Các thực tập sinh hoặc nhân viên mới của công ty sẽ được nhắc nhở và dặn dò rất kĩ về “văn hóa rót bia”, tức là khi thấy li của sếp hoặc cấp trên đã cạn, “ma mới” phải rót đến đầy li. Phải đầy li, không phải là nửa li hay ¾ li nhé.
Khi đến Nhật chơi hay làm việc, nhớ rót đầy li cho cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn để tỏ rõ sự kính trọng nhé. (Ảnh: Internet)
Bắt nguồn từ tập tục làng xã khi xưa, người Nhật thường có xu hướng hưởng ứng theo số đông. Mặt khác, tập quán này có thể là ảnh hưởng của Nho giáo – quy định cấu trúc xã hội theo chiều dọc, nơi những người già hay cấp trên rất được tôn trọng.
4. Không nói chuyện điện thoại trên phương tiện công cộng
Nếu bạn luôn cảm thấy “điên đầu” vì hội những người thích nói chuyện điện thoại oang oang trên phương tiện công cộng thì chắc chắn bạn nên chuyển đến Nhật sống ngay, vì đất nước này sẽ không có một ai “dám” làm như vậy đâu.
Hình ảnh này chắc chắn không có ở các phương tiện công cộng Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Khi bước lên xe buýt, tàu điện ngầm, tàu lửa hay thang máy ở Nhật, bạn sẽ bất ngờ bởi không gian im lặng như tờ. Người Nhật nghĩ cho cộng đồng và cân nhắc mọi thứ rất kĩ trước khi hành động. Họ cho rằng nếu mang chuyện của mình nói ở chốn công cộng, thế giới và cộng đồng quanh họ sẽ vô tình bị thu hẹp lại và điều này chắc chắn không thoải mái chút nào. Bởi xã hội nhật bản được hình thành dựa trên lối suy nghĩ này nên rất hiếm khi nghe tiếng la hét ở nơi công cộng.
5. Nói không với vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm
Bữa ăn đối với người Nhật không chỉ là “ăn và tồn tại cho qua ngày” mà là một nghi thức đáng trân trọng. Đó là lúc mọi người phải dành thời gian để ngồi lại và thận trọng thưởng thức một bữa ăn đúng nghĩa. Do đó, việc vừa đi vừa ăn không hề được khuyến khích ở Nhật Bản.
Việc vừa đi vừa ăn không hề được khuyến khích ở Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Một lí do khiến bạn không nên vừa đi vừa ăn trên đường phố Nhật nữa là vì… ở đây rất ít thùng rác. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp công viên – nơi “có vẻ” có nhiều thùng rác nhất, còn không, bạn buộc lòng phải “trữ” rác cả ngày trong túi xách đấy.