diệu anh được biết đến như một trong những tài năng trẻ của Việt Nam trong ngành thiết kế. Năm 1998, cô gái 16 tuổi gây bất ngờ với giải thưởng Seiko tại cuộc thi Makuhari (Nhật Bản) khi vừa chập chững vào nghề. Giải thưởng tạo đà cho cái tên Diệu Anh tỏa sáng, được tham gia hầu hết chương trình thời trang lớn.
Năm 1999, Diệu Anh là nhà thiết kế được chọn làm bộ sưu tập "Áo dài Việt Nam - Thiên đường và mặt đất" để mừng Sài Gòn 300 tuổi. Năm 2003, cô được cử đi học ở Pháp. Ngoài ra cô từng tham gia trình diễn tại Tuần lễ văn hóa Việt Nam "Xin chào Việt Nam" tại vương quốc Bỉ. Tháng 3/2010, cô tham gia chương trình Asia designers' collection tại Tokyo - Nhật Bản.
Tháng 8 vừa qua, Diệu Anh là một trong 10 nhà thiết kế khu vực châu Á được mời trình diễn trước Hoàng gia Thái Lan.
Nhà thiết kế Diệu Anh. |
- Vì sao chị có cơ hội này?
- Tôi cũng khá bất ngờ khi nhận được lời mời từ Hoàng gia Thái. Tôi không phải qua một cuộc tuyển chọn nào cả mà nhận thư mời trực tiếp từ ban tổ chức. Tôi đoán có lẽ họ đã tìm hiểu kỹ quá trình làm việc và lý lịch bản thân tôi nên quyết định mời tôi tham dự.
Chương trình này cũng nhằm kỷ niệm ngày sinh nhật của nữ hoàng Thái Lan khi bà tròn 80 tuổi. Bà là người yêu thích thời trang và có công trong việc gìn giữ, phát triển chất liệu dân tộc Thái. Tất cả những trang phục bà mặc trong vai trò chính khách đều bằng chất liệu truyền thống của Thái và được thiết kế bởi thương hiệu Balman nổi tiếng.
- Ban tổ chức đặt ra yêu cầu nào khi mời chị tham gia trình diễn?
- Tôi được giao cho mẫu vải dùng để dệt khăn, sợi cotton thô và màu căn bản là đen và xám. Từ chất liệu truyền thống của đất nước Thái, họ yêu cầu tôi thiết kế trên chất liệu thô để làm nên bộ sưu tập tôn vinh chất liệu trang phục.
Khi nói về chất liệu truyền thống, thông thường nó sẽ được liên tưởng đến những gì già nua, cũ kỹ và đơn điệu. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và làm thế nào để tạo nên hiệu ứng mới. Cuối cùng, tôi quyết định in keo lụa thủ công lên vải. Tôi cố ý sử dụng những gam màu lumineux nổi bật để tạo nên hiệu ứng tương phản mới trên nền màu vải cơ bản khá trầm buồn. Các thiết kế của tôi vẫn trung thành với sự tối giản và hiện đại. Khi nhìn kỹ mới thấy các trang phục phảng phất nét truyền thống của trang phục Thái.
- Họ nhận xét gì sưu tập của chị?
- Tôi được chứng kiến nhiều màu sắc khác nhau từ sưu tập của các nhà thiết kế trong chương trình này. Mỗi người một phong cách, từ kiểu váy dạ hội đến những chiếc váy dạo phố được biểu hiện thông qua văn hóa của mỗi nước. Ban tổ chức và các nhà thiết kế ngạc nhiên về bộ sưu tập của Việt Nam ở việc xử lý lại chất liệu vải trên nền vải sẵn có. Nhiều người khen ngợi cho ý tưởng mới này và điều này làm tôi cảm thấy vui mừng.
Người mẫu Lâm Thu Hằng trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Diệu Anh biểu diễn trước Hoàng gia Thái. Ảnh: D.A. |
- Chị theo đuổi phong cách thời trang nào?
- Sự hiện đại, thanh lịch và cá tính. Đối với tôi, thời trang cần có sự thấu hiểu giữa nhà thiết kế và người tiêu dùng vì tính ứng dụng cao rất quan trọng.
- Các thiết kế của chị bị ảnh hưởng bởi phong cách của ai?
- Trong thời trang, nhà thiết kế đều bị ảnh hưởng bởi nơi họ sinh ra, môi trường sống xung quanh hay một phong cách nào đó mà họ thấy ngưỡng mộ. Trong nghề, người duy nhất tôi thần tượng là Alexander McQueen. Ai cũng thấy rõ được tài năng, nỗi đam mê luôn làm thế giới kinh ngạc từ ông ấy.
Tôi bị ám ảnh bởi bức chân dung của ông ấy. Ánh mắt u buồn hiện trên chiếc T-shirt in hình chuột Mickey và... nụ cười hồn nhiên. Tôi luôn tự hỏi: cuộc sống, con người vốn dĩ quá phức tạp, sao ta không dùng thời trang như một thứ làm ta vui vẻ hơn, chan hòa với mọi người hơn. Không nhất thiết phải ăn mặc cầu kỳ như một nữ hoàng gợi cảm, quyền lực mà xa lạ.
Hình ảnh của alexander mcqueen mà Diệu Anh luôn nhớ tới. |
- Chị nghĩ sao khi hiện nay một số nhà thiết kế tạo ra những trang phục cầu kỳ chỉ mặc 1-2 lần?
- Điều này tùy vào mục đích và tôn chỉ thiết kế của từng người. Mọi nhà thiết kế đều có con đường đi của riêng mình. Có người yêu thích thiết kế trang phục mang đậm tính cá nhân, phục vụ cho lượng khách hàng nhất định như diễn viên, ca sĩ hay người yêu thích sự nổi bật khác biệt. Cũng có người thích thiết kế của mình mang tính ứng dụng cao, được người tiêu dùng chấp nhận nhiều nhất dù có thể họ phải chấp nhận giảm đi tính cá nhân trong sản phẩm rất nhiều.
- Biểu diễn nhiều ở nước ngoài, chị thấy thời trang Việt Nam đang có vị trí thế nào?
- Thời trang Việt Nam chỉ phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây, không thể nào so sánh với các nền thời trang thế giới có hơn 50 đến 100 năm. Chỉ so sánh thời trang ở các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thời trang Việt Nam ngày càng khởi sắc, chứng minh qua việc chúng ta ngày càng ăn mặc đẹp hơn và có gu hơn.
Bộ sưu tập của Diệu Anh. Ảnh: D.A. |
- Chị nhận xét gì về các nhà thiết kế trẻ hiện nay?
- Thế hệ trẻ hiện nay được đi học, đi đây đi đó mở mang kiến thức và tầm nhìn rất rộng. Họ còn có lượng thông tin từ phương tiện truyền thông ồ ạt. Tôi tin với kiến thức và sự năng động, họ thừa sức lĩnh hội, chọn lọc được những khuynh hướng hiện đại, văn minh và phù hợp. Điều đó làm tôi hy vọng đến sự phát triển của thời trang.
Hoàng Dung thực hiện