Qua tuần lễ thời trang Xuân Hè 2014, diễn ra từ 22 đến 25/12, nhiều người yêu thời trang có dịp tìm hiểu kỹ hơn về dòng thời trang Haute Couture, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự cố ngọc hân bị tụt váy vì hỏng khoá trong phần biểu diễn bộ sưu tập haute couture của hai nhà thiết kế Thế Huy và Hải Long, không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi, liệu chất lượng thật sự của các bộ sưu tập Việt có bị thổi phồng lên dưới thuật ngữ hoa mỹ này.
"Haute Couture" hiểu ngắn gọn là đỉnh cao của thời trang, dành riêng cho những người xa hoa và đam mê sự tinh tế. Nó hòa trộn giữa những gì cầu kỳ, tuyệt mỹ nhất của sự sáng tạo, sự tỉ mỉ tài hoa của nghệ nhân lành nghề và sự xa xỉ của các chất liệu thượng hạng. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, Haute Couture còn "cao cấp hơn cả thời trang cao cấp".
Nhà thiết kế Quỳnh Paris, người đã có thời gian học thời trang tại Pháp - nơi xuất phát thuật ngữ "Haute Couture", chia sẻ: "Ở Pháp, Haute Couture được bảo vệ bởi luật pháp". Chỉ có những thương hiệu đáp ứng được một danh sách rất dài những yêu cầu bao gồm: đồ phải được làm thủ công trong xưởng của công ty, mỗi thương hiệu phải có ít nhất hai xưởng, mỗi kiểu mẫu chỉ có độc nhất, ít nhất 30 kiểu trong mỗi bộ sưu tập, hai bộ sưu tập mỗi năm...
Haute Couture được giới thời trang gọi là "siêu phẩm" của những giấc mơ. Dù dòng này không mang lại lợi nhuận lớn vì được bán với số lượng hạn chế, nó chính là tuyên ngôn thể hiện đẳng cấp cho nhãn hiệu thời trang và chính người sở hữu. |
Hiện nay, ở Pháp có 28 thương hiệu có đủ quyền làm đồ Haute Couture. Còn ở những quốc gia khác, không có những tiêu chuẩn phân định rạch ròi. Nhiều nhà tạo mẫu thường thiết kế ra một bộ sưu tập ứng dụng cao cấp và gọi nó là Haute Couture. Tại Việt Nam, Minh Hạnh được xem là người có công đưa dòng thời trang này đến gần hơn với khán giả qua tuần lễ thời trang Xuân Hè 2014. Tuy nhiên, với những tiêu chí khắt khe của dòng thời trang xa xỉ này, nhiều người thuộc giới chuyên môn nhìn nhận: bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế Việt, nhất là Hải Long - Thế Huy chưa đủ sức thuyết phục để gọi là Haute Couture.
Trở lại với sự cố hỏng khóa dẫn đến tụt váy, anh Aki Quang - giám đốc thời trang chương trình Thời trang và Nhân vật - cho rằng: "Đã là đồ Couture thì phải hạn chế tối đa các sự cố do vật liệu thiết kế, vì khoá kéo, chỉ, cúc... đều phải thuộc loại đắt tiền và thiết kế riêng cho bộ sưu tập đó. Khán giả của dòng thời trang này cực kỳ khó tính, niềm tin về sự hoàn hảo với họ là số một". Đồng tình với quan điểm này, nhà thiết kế Quỳnh Paris cũng nhìn nhận: "Sẽ tốt hơn khi không có những sự cố về kỹ thuật như hư dây khóa. Đây là dòng thời trang làm cho người ta mơ ước, điều đó cũng ngụ ý nhà thiết kế phải nắm vững hoàn toàn kỹ thuật".
Xét về khía cạnh tổ chức, việc nhà thiết kế hải long vẫn để cho Ngọc Hân diễn mẫu váy bị hỏng khóa từ trước được cho là một quyết định quá mạo hiểm. Một stylist khẳng định, đây là hành động trái ngược với những nguyên tắc chung của thời trang cơ bản chứ đừng nói là Haute Couture. "Sàn catwalk là nơi tôn vinh những gì hoàn hảo, đẹp đẽ nhất. Nếu gặp sự cố thì còn chấp nhận được, còn biết khóa bị hỏng mà vẫn diễn là thiếu tôn trọng khán giả và chính các thiết kế của mình. Thà không có còn hơn là có mà không tốt", stylist này chia sẻ.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, nhà thiết kế đã chọn người mẫu lệch hơn size chuẩn của bộ váy, nguyên nhân chính dẫn đến khóa kéo bị hỏng. Trả lời VnExpress, Ngọc Hân phủ nhận điều này: "Tôi đã mặc bộ váy này trong đêm ghi hình trước đó một ngày, mọi thứ đều bình thường và vừa vặn. Trong đêm diễn chính thức, khi tôi chuẩn bị lên sàn, chiếc khóa kéo bị hở khoảng 3cm, một chị ở hậu trường đề nghị giúp tôi kéo sát lên, có lẽ vì hơi mạnh tay nên khóa kéo bị đứt". Điều này cũng cho thấy, những người trong khâu tổ chức cũng chưa được đào tạo bài bản về cách sử dụng và bảo quản đồ cao cấp. Với thời gian thay đồ quá gấp rút, cách bố trí show diễn chưa khoa học, những sự cố là điều khó tránh khỏi.
Một yếu tố cũng quan trọng không kém để làm nên niềm tin của các khách hàng là thương hiệu. Trên thế giới, Chanel, Christian Dior, Elie Saab và Valentino được xem là những "ông lớn" gắn liền với lịch sử của dòng Haute Couture. Ở Việt Nam, Minh Hạnh, Công Trí, Quỳnh Paris, Võ Việt Chung và mới đây nhất có Công Khanh là những nhà thiết kế tìm tòi, sáng tạo và theo đuổi dòng thời trang cao cấp. Nhưng việc đưa quá nhiều cái tên quen có, lạ có vào đêm diễn thời trang Haute Coutute ở Hà Nội khiến ý nghĩa của từ này bị giảm giá trị. "Theo tôi, gọi đây là đêm diễn thời trang ứng dụng cao cấp thì chính xác với tiêu chí và bớt áp lực hơn cho những người thực hiện", Aki Quang nhận định.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, người có thời gian dài sống và làm việc tại kinh đô thời trang Paris thẳng thắn nói: "Theo quan niệm của tôi thì Haute Couture không có ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đơn giản vì chúng ta chưa có đủ tiêu chuẩn để làm và bán loại đồ này". Ở Pháp, một bộ sưu tập Couture được làm trong 4-5 tháng, giá từ 20-60 nghìn USD. Còn khi được hỏi về giá trị các thiết kế Couture, nhiều nhà thiết kế trẻ tại tỏ ra lúng túng, bởi họ chỉ biết làm vì đam mê với thời trang chứ chưa biết chào giá bao nhiêu cho xứng đáng.
Với tình hình kinh tế hiện tại, nhiều nhãn hàng danh tiếng đã ngưng sản xuất dòng Couture. Còn ở Việt Nam, khi thời trang cao cấp vẫn chưa thắng được hàng Trung Quốc, hàng nhái... thì giấc mơ Haute Couture có vẻ vẫn là quá xa vời.
Năm qua, Lý Nhã Kỳ sở hữu chiếc váy Chanel từng được trình diễn tại Paris Haute Couture Fashion Week có giá 100.000 USD (hơn hai tỷ đồng). |
Tuy nhiên, không ít nhà thiết kế vẫn kiên trì bảo vệ giấc mơ ấy. Hoa hậu Ngọc Hân, người diện bộ đầm hỏng khóa, đã chia sẻ: "Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là nhất định phải đưa bộ váy tuyệt đẹp này giới thiệu đến khán giả. Trong điều kiện thời trang Việt Nam còn nhiều khó khăn, thay vì soi những sự cố khó tránh khỏi trong thời trang, sao chúng ta không ủng hộ cho các nhà thiết kế tài năng?"
Trong khi nhiều người không chấp nhận được sự cố của nhà thiết kế Hải Long, thì nhà thiết kế công khanh nhận xét, tai nạn khi người mẫu trình diễn những trang phục, không chỉ riêng Haute Couture, là chuyện bình thường. "Không chỉ Việt Nam, cả những fashion show lớn của thế giới cũng thường gặp. Chúng ta không thể nhìn vào đó để kết luận cả quá trình sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc của họ".
Anh Aki Quang nhận định, dù việc hỏng khoá dường như lệch chuẩn Haute Couture, với bộ sưu tập của Thế Huy và Hải Long, anh vẫn đánh giá cao sự kết hợp đầy sáng tạo giữa Op-Art (họa tiết hình học, tạo hiệu ứng 3D) và mặt nạ tuồng cổ, vì bộ sưu tập này thể hiện được giá trị văn hoá, tức loại hoa văn tạo nên tính cộng đồng và tính lịch sử. Bên cạnh đó, mỗi thiết kế đều được xử lý trên cùng chất liệu vải nhưng tổ hợp hoa văn thì khác nhau, đúng tinh thần của thời trang cao cấp, với khối lượng công việc thực hiện thủ công bằng tay lên đến 80%. Ở phụ kiện giày, bộ đôi nhà thiết kế cũng thực hiện theo quy trình giống như trang phục.
Nhà thiết kế Công Khanh là một trong số ít những gương mặt trẻ nhưng đã tạo được dấu ấn. |
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, việc đưa dòng sản phẩm này vào thị trường Việt Nam là để chúng ta đến gần hơn với tất cả đòi hỏi, yêu cầu của thời trang thế giới. Tuy nhiên, nhà thiết kế Quỳnh Paris vẫn băn khoăn: "Dòng Haute Couture không phải là thứ là ai trong chúng ta cũng có thể sở hữu được, mục đích của nó là làm cho mọi người phải mơ ước". Nếu những "siêu phẩm" này không có những sự đầu tư, chuẩn bị xứng tầm với giá trị, khái niệm "Haute Couture" vẫn sẽ còn là chiếc áo rộng của thời trang Việt.
>> Xem thêm: Những mẫu Haute Couture đẹp nhất trên thảm đỏ
Video: Quá trình công phu tạo nên chiếc váy Dior Haute Couture |
|
Vân An - Thu Hồng