Bé Min nhà chị Hoa (Thanh Nhàn, Hà Nội) mới được 2 tháng tuổi. Sáng nào, bé cũng được mẹ bế ra cửa ngồi hóng nắng để thêm rắn rỏi và cũng để hấp thụ thêm vitamin D từ tự nhiên. Thế nhưng, ngặt mỗi nỗi, trời đã vào hè, mới 6 rưỡi, 7 giờ sáng mà nắng đã chói chang. Nhìn những tia nắng nhảy nhót trên người bé mà chị Hoa thấy xót làn da quá. Con gái mà đen nhèm thì thật mất dáng. Sáng nay, chị định bụng sẽ dùng kem chống nắng bôi cho Min, nhưng bà nội ngăn lại. Bà bảo: da trẻ con mỏng manh, yếu ớt, còn kem chống nắng kia thì đầy hóa chất, bôi vào lại mang bệnh. Ngẫm cũng đúng, nhưng chẳng lẽ cứ để mặc làn da con với nắng. Mà nắng theo chị hiểu thì nếu tiếp xúc nhiều cũng gây hại lắm. Lẽ nào nên từ bỏ việc hứng vitamin D tự nhiên mỗi sáng?
Khác với chị Hoa, con gái chị Quỳnh (Q.9, TP. HCM) đã 4 tuổi. Hè này, bé sẽ được bố mẹ cho đi biển một tuần. Có rất nhiều nỗi lo khi cho con đi chơi xa dài ngày như thế, trong đó, chị trăn trở nhất là làn da vốn đã bánh mật của bé. Nhớ năm ngoái, sau khi theo bà về quê vài ngày, lúc bé lên, chị còn chẳng nhận ra đó là con gái yêu nhà mình. Đen gì mà đen thế. Đã thế còn bong tróc đủ kiểu. Bà bảo nó toàn chơi ngoài nắng, gọi vào mà không được. Năm nay, để phòng thủ, chị mua sẵn tuýp kem chống nắng, định bụng dành cho cả mẹ và con, thế nhưng, giờ đây lại đang lăn tăn không biết mỹ phẩm này có hại gì cho làn da của bé hay không?
Sản phẩm càng ít thành phần càng tốt
Chắc chẳng cần nói nhiều, mẹ nào cũng hiểu: ánh nắng có hại với làn da thế nào, đặc biệt là làn da của trẻ nhỏ. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tia UV không chỉ gây ra hiện tượng cháy nắng mà còn làm gia tăng nguy cơ ung thư da lúc trưởng thành. Do đó, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làn da của bé cũng cần được bảo vệ. Tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là hạn chế tiếp xúc tối đa với ánh nắng mặt trời, nhất là vào giờ cao điểm. Thế nhưng, sự thực thì có phải lúc nào ta cũng có thể bảo vệ bé được tối đa như thế đâu. Đặc biệt là với các bé đang có nhu cầu tắm nắng để hấp thụ vitamin D thì cần làm gì để bảo vệ làn da?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Toàn, (chuyên khoa Da Liễu, Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ), da trẻ em rất mong manh và nhạy cảm với tia tử ngoại UVA, UVB. Nguyên nhân là bởi da trẻ chỉ bằng 1/5 da người lớn, lớp sừng phía ngoài cùng của biểu bì mỏng hơn, tế bào sắp xếp ít chặt chẽ hơn, hắc tố bào chưa phát triển đầy đủ, ít hoạt động dẫn đến việc duy trì độ ẩm ít hiệu quả cũng như chức năng bảo vệ da trước tác động môi trường kém, dễ nhạy cảm với các tia UV. Do đó, các mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với ánh mặt trời từ 10 - 16 giờ hằng ngày. Đây là giờ cao điểm, các tia UV có cường độ mạnh nhất, kể cả khi trời có nhiều mây.
Để bảo vệ làn da của trẻ mỗi khi ra ngoài, bạn hoàn toàn có thể dùng kem chống nắng, tuy nhiên, cần sử dụng sản phẩm thích hợp. Các mẹ nên chọn kem chống nắng chuyên biệt được thiết kế riêng dành cho trẻ em, có chỉ số chống nắng cao (SPF 50), không thấm nước. Khi mua, nhớ chọn các dòng sản phẩm càng ít thành phần càng tốt vì nó sẽ hạn chế tối thiểu các tác nhân dễ gây kích ứng da ở trẻ nhỏ như: chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản… Ngoài ra, các loại kem chống nắng có chứa bộ lọc vô cơ như oxít kẽm và titanium dioxide cũng là những sản phẩm được khuyên dùng, nhất là với trẻ sơ sinh, vì chúng không thâm nhập vào 2 tầng đầu tiên của lớp sừng, ít gây kích ứng cũng như có tác dụng ngăn cản cả hai loại tia tử ngoại UVA và UVB.
Nên sử dụng trước trên diện nhỏ
Bên cạnh việc lựa chọn kem chống nắng, bạn cũng cần lưu ý về thời điểm sử dụng kem cho con. Cụ thể, trước khi cho con ra ngoài, hãy thoa kem trước 30 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ. Riêng các trường hợp sau khi bơi lội, lau cơ thể bằng khăn hoặc đổ mồ hôi nhiều cần thoa lại ngay lập tức. Nên dùng kèm sữa tẩy trang làm sạch lớp kem chống nắng để đảm bảo da trẻ thông thoáng không bít tắt lỗ chân lông sau khi sử dụng, các mẹ nhé.
Với những trẻ dưới 3 tuổi, làn da của bé chưa có khả năng bảo vệ nội sinh, chống lại bức xạ của tia cực tím (UV) nên khi bố mẹ khi tắm nắng hay cho con ra đường cần chú ý bảo vệ làn da hơn nữa. Theo đó, để hạn chế những mẫn cảm có thể xảy ra, trước khi sử dụng trên diện rộng, bạn nên dùng một lượng ít kem chống nắng thoa cho các khu vực nhỏ của da (ví dụ: mặt, mu bàn tay) của trẻ để kiểm tra xem có bị phản ứng gì không. Đồng thời, việc dùng kem chống nắng phải thật thận trọng, chú ý tránh dính vào mắt và gây kích ứng cho trẻ.
Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, các mẹ cũng có thể tập các thói quen tốt nhằm bảo vệ da trẻ khỏi tổn thương bởi ánh sáng mặt trời trong thời tiết gay gắt như cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi, uống nhiều nước, đội mũ, đeo kính mát có chức năng chống UV, mặc quần áo có độ dày vừa phải và độ phủ rộng trước khi ra ngoài. Hi vọng rằng, với những thông tin trên, bé yêu nhà bạn sẽ có một làn da thực sự khỏe mạnh!