Đã bao năm rồi, chiếc khăn vuông theo các mẹ, các chị tảo tần đón mưa đội nắng...
Đã bao thế hệ rồi, khăn đen mỏ quạ bền bỉ với dòng chảy thời gian...
Nội tôi - người cả đời quen mang khăn mỏ quạ bằng vải gụ, chẳng một lần màng tới khăn len, khăn nhung hay loại khăn nào khác, cũng chính là người gieo vào lòng tôi mầm hạt bé bỏng, non xanh đầu tiên cho cái gọi là "tình yêu" với mỏ quạ.
Trong ký ức tôi, những đêm trông trăng nằm trên chõng tre nhỏ, cảm nhận hương trầu thơm cay cay nơi khóe mắt và nghe nội ngâm nga đôi câu chuyện cũ... mang màu sắc hư huyền đến lạ. Nội nhớ thời con gái xa xăm... ngày nội về nhà chồng, cụ ngoại gói trong tấm giấy cũ chiếc bà ba màu cánh gián, khăn mỏ quạ đen đặt vào tay nội. Cụ chẳng nói gì, đến khi nội gần qua cửa, cụ bảo: "Buồn, vui, sướng, khổ... thôi thì, gắng sống!". Chiếc áo sờn vai, tuột chỉ theo nội bao ngày mưa nắng dãi dầu, bao đêm dầm sương gánh nước đã ở lại với ký ức, chỉ còn khăn mỏ quạ vẫn đây, chẳng biết có cô đơn trong rương cũ?! Nội cất khăn như giữ một mảnh đời "buồn, vui, sướng, khổ... gắng sống" của mình.
Khăn mỏ quạ có tự khi nao? Xuất xứ thế nào chẳng rõ. Chỉ biết rằng dáng khăn vuông đen nền nã, dung dị ấy phụ nữ Việt xưa hầu như ai cũng có. Ra đồng, đi chợ, hội hè, cưới hỏi...các chị, các cô dù áo tứ thân yếm thắm, hay bà ba giản dị cũng không quên chít khăn đen mỏ quạ. Nào đâu khăn có rộng như nón, dài như "áo tơi" để cản mưa, chắn nắng; nào đâu khăn là trâm ngọc - hột xoàn để dung nhan thêm phần kiêu kỳ, đài các. Khăn "mỏ quạ" ngày qua ngày hiện hữu như một phần làm nên cái nết, cái đẹp cho phụ nữ Việt xưa.
Khăn mỏ quạ và "tình" với phụ nữ Việt xưa.
Dãi nắng dầm mưa, chân lấm tay bùn... vẫn có khăn đen bầu bạn.
Khăn vuông mỏ quạ tuy giản dị nhưng phải biết chít thì mới đẹp. Chít khăn cũng cần khéo léo như người thợ may tạo dáng cho áo quần. Từng nghe đâu đó rằng, khăn mỏ quạ chít sao cho vừa và hợp khuôn mặt, tạo cho khuôn mặt (khi chít khăn) như hình chiếc búp sen là đẹp nhất. Nếu chít mỏ khăn cao quá trông sẽ "điêu lắm", còn nếu để mỏ khăn thấp quá dễ khiến khuôn mặt trở lên tối tăm.
Riêng tôi, phụ nữ chít khăn mỏ quạ ngắm sao cũng thấy "hiền". Hiền ấy là bao đêm vì chồng, vì con thức khuya dậy sớm. Hiền ấy là hiền thảo thơm nhịn cơm, nhường áo, nhận phần mình cháo nhạt với đắng cay. Dẫu biết rằng thời trước hay thời nay, người xấu người hay ít nhiều đều có. Nhưng, ngắm bóng "mỏ quạ" tất tả ngược xuôi trên đường quê, tôi trộm nghĩ nếu có chút gì là bon chen, chua chát... có lẽ do "khổ đời" dồn góp mà nên.
Khăn mỏ quạ hiện hữu trong những thước phim đen trắng những năm 70 - 80 xưa.
Diễn viên Như Quỳnh - một thuở mắt đen mày ngài với áo tứ thân, khăn mỏ quạ làm xuyến xao bao trái tim yêu điện ảnh.
Tảo tần, hiền hậu "Mẹ chồng tôi".
Về trẩy hội Kinh Bắc, tai lắng nghe làn điệu "Người ơi người ở đừng về", mắt trông theo dáng áo tứ thân, khăn mỏ quạ đẩy đưa lời ca ngọt ngào da diết, ngỡ lòng mình là một biển tình say...
Khăn mỏ quạ thời nay chẳng còn là món "phụ kiện" sớm tối kề bên mái tóc của phái đẹp. Chỉ còn thấy thấp thoáng bóng khăn mở quạ ấp ủ tóc bạc sương của các bà, các cụ chốn quê nhà, hay trong hội diễn văn nghệ, kịch, phim...
Bước chầm chậm trên con đường quê thơm mùi rơm mới về với nội, tôi tự hỏi mình: "Khăn mỏ quạ, một ngày.. có còn không?".
Khăn đen mỏ quạ thêm nét hiền hậu cho cụ bà...
Đậm thêm nét tảo tần còng lưng trên phố nhỏ..
Chị em quan họ Kinh Bắc áo tứ thân và khăn mỏ quạ...