Trong khi tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, bánh mì ba-ghét và rượu sâm banh vẫn còn là những niềm tự hào của Pháp thì biểu tượng mũ beret lại đang đà sa sút. Liệu beret có trở lại được thời hoàng kim xưa?
Ra đời dưới dãy núi Pyrenee thuộc Pháp, chiếc mũ beret (mũ nồi) tròn, làm bằng len lông cừu có vòng da định hình bên trong từ lâu đã trở thành mũ che đầu cho dân chăn nuôi gia súc ở xứ Basque đầm lầy ẩm thấp. Mũ không thấm nước và vẫn giữ nguyên hình dạng dù có bị cuốn lại nhét trong túi quần túi áo. Từ khi được sản xuất đại trà vào thế kỷ XIX, mũ beret trở thành biểu tượng kháng chiến của nước Pháp chống lại Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai. Quân đội Pháp và nhiều nước khác đã dùng beret trong quân phục.
Thời kỳ thoái trào
Trước đây, mỗi năm hàng triệu mũ beret đã được bán ra. Nhưng từ những năm 1980, khách hàng đã quay sang dùng mũ nồi do Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Séc sản xuất với giá rẻ hơn. Doanh số của beret xứ Basque càng thê thảm kể từ năm 2001 vì bị mất hàng loạt đơn đặt hàng từ quân đội, cả trong lẫn ngoài nước. Các nhà máy sản xuất mũ beret ở Pháp từ con số 30 hạ xuống chỉ còn 2 cái tên: Laulhère và Blancq-Olibet.
Lép vế trước khuynh hướng ăn mặc mới
Có vẻ như mũ beret đã khiến hình ảnh Che Guevara, Montgomery và những người lính ngoài chiến trận trông rất kiêu hùng, nhưng ấn tượng ấy đã giảm sút nhiều trong thời bình. Giờ đây nó bị chê là nóng bức, sụp vướng tầm nhìn mà lại không che được trán hay gáy, khó gắn quảng cáo sản phẩm và cũng khó biến tấu các kiểu đội so với mũ lưỡi trai phong cách đương đại.
Những nỗ lực hồi phục biểu tượng mũ beret
Laulhère, công ty hiếm hoi còn sót lại của Pháp đang ra sức tìm lại vị thế và cả hiệu quả kinh tế cho mặt hàng truyền thống này. Họ không chọn cách cạnh tranh về giá cả nữa mà dùng uy tín chất lượng kết hợp yếu tố thủ công “made in France” làm vũ khí kinh doanh. Những đặc trưng của mũ beret Pháp không nhăn, không lưu mùi hôi khi bị ẩm sẽ là những chi tiết làm nên sự khác biệt.
Bên cạnh đó, vì beret đã thành một loại mũ thời trang cho nữ từ những năm 1930, khuynh hướng sử dụng beret nơi học đường, các tổ chức thanh niên vẫn nở rộ, khối dân xứ Basque không thể thiếu nó, thậm chí dù Mỹ đã thay beret bằng mũ lưỡi trai vẫn còn nhiều binh chủng các nước khác sử dụng loại mũ nồi này trong các nghi thức quân đội nên Laulhère tin tưởng beret sẽ không biến mất. Công ty dự kiến sản xuất 200.000 mũ beret trong năm 2014, tăng 40.000 chiếc so với năm 2013. Chúng ta hãy chờ xem!
Theo E