Xuân Lan: Tôi là người bám trụ lâu năm với nghề người mẫu - hơn 10 năm và nay vẫn ở hàng “top” trên sàn catwalk. 10 năm trong nghề và cái giá phải trả là tôi không còn tin ai được nữa. Tôi hoàn toàn cô độc.
Nghề này nhiều khi bạc khủng khiếp. Mới thân nhau đó đã trở mặt với nhau ngay. Những người mình tưởng là bạn thân nhưng cũng chính họ là người ra tay hại mình nhiều nhất. Hồi xưa tôi nổi tiếng thẳng tính, biết cô nào dính tới chuyện “đi khách” là nhất định tôi không đứng chung trên sàn diễn vì tôi muốn làm cái gì đó để bảo vệ danh dự nghề nghiệp, bảo vệ thanh danh giới người mẫu đã có quá nhiều lời dị nghị. Nhưng rồi người bị phản ứng, bị tẩy chay lại là tôi.
Người mẫu Xuân Lan. |
Sau nhiều lần như vậy, tôi đã hiểu ra “luật chơi” nên không làm Don Quixote nữa, chỉ biết tự nhủ với lòng mình: ai làm gì thì mặc họ, quan trọng là mình giữ được sự trong sáng và đạo đức nghề nghiệp, mà có nghề nghiệp nào không có đạo đức không nhỉ?
Tôi tự hào khi người ta nhắc đến tên Xuân Lan không phải vì cái đẹp nhan sắc mà vì sự trong sạch, sống được bằng chính nghề người mẫu. Cám dỗ ư? Bây giờ tôi chỉ đi cám dỗ người ta thôi chứ ai cám dỗ được tôi. Nói đùa tí cho vui, chứ ngày xưa khi mới vào nghề tôi phải đương đầu với bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu cạm bẫy... Mà hấp lực của nó thật kinh khủng. Những show đầu tiên của những người mẫu mới vào nghề thù lao cả tháng chưa đủ mua một đôi giày đàng hoàng, thử hỏi tiền đâu mà lên đồ, lên xe ào ào như mọi người thấy. Trước đây cũng có nhiều người đề nghị sẽ “tạo điều kiện” cho tôi, nhưng tôi đều từ chối vì trên đời này không ai cho không mình cái gì.
Hiện giờ tôi làm thêm công việc đào tạo người mẫu, nhìn lại chặng đường dài mình đã bước qua, trong giáo trình đào tạo của tôi bao giờ cũng có giờ giảng về đạo đức: phải biết tôn trọng những người đi trước, phải biết giữ danh dự cho giới người mẫu.
Anh Thư: Đây là nghề nhiều tai tiếng nên mình cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ ra đường nghe giới thiệu hai chữ “người mẫu”, người ta nghĩ ngay đến những scandal, đến tai tiếng chứ chẳng thấy ai khen ngợi. Sống và làm việc trong môi trường này thật khó khăn, nhiều khi tôi đã tự nhủ "thôi bỏ tất cả, về quê cắm câu", nhưng rồi lại nghĩ "mình có làm gì xấu xa, tai tiếng đâu mà phải sợ", thế là tiếp tục.
Từ lúc chập chững vào nghề phải làm cật lực từ sáng tới tối, chạy đủ các show để kiếm sống, ngay từ ngày đầu tôi đã thề với lòng mình: giá nào cũng phải theo đuổi nghề đến cùng. Cho đến bây giờ tôi đã làm đúng với lòng mình: chỉ với nghề này, tôi đã nuôi sống được tôi và cả gia đình.
Người mẫu Anh Thư. |
Tôi chưa bao giờ dùng tiền hay sự bảo trợ của người khác. Từng có nhiều đại gia tìm đến và ngỏ ý giúp đỡ nhưng tôi đều từ chối. Không chỉ vậy, tôi sẵn sàng từ chối cả những bộ thời trang quá sexy, hở hang, câu khách, với tôi cái đẹp luôn phải là sự trong sáng, tươi trẻ, còn đồ xấu thì… chuyện nhỏ.
Tuy nhiên, nghề người mẫu được khá nhiều bạn trẻ thần tượng. Tôi dám khẳng định trong nghề người mẫu bất cứ ai đủ tố chất, đủ bản lĩnh cũng có thể sống bằng chính sức lao động của mình. Tôi may mắn có ông xã cũng là đồng nghiệp, chúng tôi có một tình yêu lớn với nghề và bằng lòng với những gì từ mồ hôi nước mắt làm ra, cùng nhau tạo dựng một gia đình nhỏ nhưng hạnh phúc.
Dương Yến Ngọc: Nghĩ tới tương lai mù mịt mà chán nản quá. Nghề người mẫu chưa được Nhà nước công nhận, còn xã hội dành cho chúng tôi những thành kiến kinh khủng nhất. Nhắc tới người mẫu là người ta nhắc tới sự tai tiếng, thử hỏi ai có đủ dũng cảm để đeo đuổi nghề này.
Nhưng thú thật trong tâm trí tôi, người mẫu là nghề tôi yêu thích nhất. Nói bỏ hẳn cũng không đúng, vì tôi vẫn khát khao góp phần mình vào việc đào tạo người mẫu, cũng từng mở công ty đào tạo người mẫu nhưng cuối cùng “lực bất tòng tâm”. Bây giờ cũng ráng bám nghề bằng việc... kinh doanh thời trang. Cửa hàng cũng làm ăn phát đạt.
Với tôi, cạm bẫy không là vấn đề vì ngay từ lúc bước vào nghề ai cũng biết rõ tôi xuất thân là sĩ quan công an nên ít đại gia nào dám có "lời đề nghị khiếm nhã". Mà tôi có máu công an thật, bố mẹ đều công tác trong ngành nên tôi mắc “bệnh nghề nghiệp”. Hễ ai đưa ra vấn đề gì, gợi ý gì là tôi hay áp dụng phương pháp nghiệp vụ phân tích tâm lý... tội phạm nên hầu như tôi chưa phải đối mặt với tình huống khó xử nào sau cánh gà sân khấu.
Người mẫu Dương Yến Ngọc. |
Cũng nhờ những câu tự “chất vấn”, đại loại tại sao người ta lại trả cát-xê cao, tiền ở đâu mà nhiều dữ vậy, làm vậy mục đích gì... mà tôi thoát nhiều vụ rắc rối. Nghề này nuôi sống được tôi, mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc trong những giờ phút đăng quang, nhưng nó lại làm tôi mất niềm tin trong cuộc sống.
Trong ánh mắt xã hội, danh dự của người mẫu sao rẻ quá. Ở các nước, người mẫu sao cao sang và có thể trở thành tỷ phú bằng chính phong cách chuyên nghiệp, còn ở nước mình sao thấy tủi thân quá...
Một siêu mẫu giấu tên: Rất nhiều đêm trở về với căn phòng giá lạnh một mình, tôi bật khóc. Ngày đầu háo hức với con đường người mẫu bao nhiêu thì giờ lại càng thấm thía hơn với câu nói “hồng nhan bạc phận”.
Những cô gái đến từ quê nghèo tuổi chỉ mới 15-16 như chúng tôi lần đầu bước lên sàn diễn làm sao không choáng ngợp trước sự sang trọng, hào nhoáng, sự săn đón của người khác. Bước xuống từ ánh đèn sàn diễn rực rỡ trở về với sự bình dị hằng ngày sao khó quá, có ai đứng bên cạnh để bảo ban, dạy dỗ chúng tôi không hay xung quanh chỉ toàn là cạm bẫy, cám dỗ, lừa lọc...
Trước đây, tôi từng có những phút bồng bột nông nổi, không phải vì tiền bạc, vì cuộc sống vật chất, mà vì nhìn ra xung quanh choáng ngợp khi thấy ai cũng giàu sang, no ấm hẳn lên chỉ sau một thời gian ngắn bước đi trên sàn diễn. Từ tiền cát-xê ư? Ai cũng thừa hiểu tiền công cho người mẫu cả tháng không đủ để mua một bộ áo hàng hiệu mà các cô người mẫu thường mặc, mà show đâu phải lúc nào cũng có, cạnh tranh với nhau ghê lắm!
Để bước đi cho trọn con đường chỉ là chiếc bục gỗ dài hơn 10 m dưới ánh đèn đêm, nhiều lúc tôi cảm thấy dài vô tận. Nhưng tôi đã vượt qua được những mặc cảm, những phù du của vật chất để tự nhủ rằng mình phải đi, phải bước tới bằng đôi chân của chính mình, phải sống sao cho mọi người không còn nhìn giới người mẫu với cặp mắt nghi kỵ vì nghề nghiệp nào cũng có những phẩm giá, chuẩn mực đạo đức của nó...
(Theo Tuổi Trẻ)