Một chiếc đồng hồ có thể nói lên nhiều điều về chủ nhân của chúng. Chưa cần phải bắt chuyện, chỉ cần nhìn vào kiểu dáng, phong cách chiếc đồng hồ trên tay người đàn ông là có thể hiểu được phần nào địa vị và tầm hiểu biết của người đó. Chính vì thế bạn cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi quyết định mua đồng hồ.
Tất nhiên, khi người ta chỉ cần xem giờ, thì sở hữu một chiếc đồng hồ rẻ là đã đủ. Còn với những quý ông thời trang, một chiếc đồng hồ có nhiều công dụng hơn thế. Vì vậy, bạn nên bỏ thời gian và công sức đầu tư cho nó.
1. Có nên chi đậm cho Rolex?
Đầu tiên, vì sao Rolex đắt như vậy? Cũng giống như hãng bán lẻ kim cương De Beers, Rolex giữ giá cao bằng cách hạn chế số lượng trong mỗi bộ sưu tập của mình, dẫn đến sự khan hiếm trên thị trường. ví dụ, bộ sưu tập Rolex Daytona là cực kì hiếm và gần như là không thể tìm mua được.
Có 2 phương án trả lời cho câu hỏi của phần này, nhưng không phương án nào thực sự đúng cả.
Thứ nhất, vì sao nhiều người ngay lập tức nói “không”? Rolex kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối của mình, nhằm đảm bảo các sản phẩm luôn được bán với giá họ đã niêm yết. Nhà phân phối nào giảm giá Rolex đều có nguy cơ bị cắt hợp đồng. Chính vì vậy, khi mua một chiếc Rolex, bạn luôn phải trả thêm một khoản tiền cho thương hiệu chứ chưa chắc đã là vì chất lượng. Vì lý do này, những người sành đồng hồ đều nói rằng, bằng giá một chiếc Rolex, bạn có thể mua đồng hồ cao cấp hơn nhưng của hãng đồng hồ khác.
Ngược lại, nhiều người lại tin rằng giá một chiếc Rolex hoàn toàn xứng đáng với danh tiếng và chất lượng của nó. Đẳng cấp và uy tín của Rolex là đủ để giải thích vì sao nó có giá cao. So với tất cả các loại đồng hồ khác, sở hữu một chiếc Rolex không chỉ là để xem giờ, mà là một khoản đầu tư thể hiện đẳng cấp. Nếu bạn chỉ quan tâm đến những yếu tố kỹ thuật, Piaget và Jaeger là những sự lựa chọn hàng đầu.
2. “Chronometer” và “Chronograph” có ý nghĩa gì?
Chronometer thường để chỉ một chiếc đồng hồ có độ chính xác cực cao, nhưng chỉ áp dụng cho đồng hồ cơ (lên dây tay hoặc tự động) chứ không dùng cho đồng hồ thạch anh. Một chiếc đồng hồ phải được thông qua Tổ chức kiểm nghiệm chất lượng đồng hồ Thụy Sĩ trước khi mang danh hiệu Chronometer. Để có được danh hiệu này, một chiếc đồng hồ sẽ phải trải qua các bài kiểm tra ở điều kiện môi trường khác nhau kể cả dưới nước trong 15 ngày.
Đồng hồ Chronometer có độ chính xác gần như hoàn hảo, vì thế giá của một chiếc chất lượng cũng cao hơn đồng hồ không phải chronometer rất nhiều.
Chronograph thường bị nhầm lẫn với Chronometer, mặc dù 2 khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Đồng hồ Chronograph đơn giản là một chiếc đồng hồ có thêm bộ đếm giờ. Giá thành của đồng hồ Chronograph khá rẻ, chỉ từ 30 USD trở lên.
3. Số seri liệu có quan trọng?
Đồng hồ chính hãng luôn có số seri kèm theo. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì nó thể hiện rằng chiếc đồng hồ bạn mua có phải chính hãng hay không. Nếu bạn dự định bỏ ra một số tiền lớn cho một chiếc đồng hồ, hãy đảm bảo nó là chính hãng bằng cách liên hệ với nhà sản xuất hoặc tới một cửa hàng được ủy quyền mà có thể tra cứu số seri của sản phẩm bạn muốn mua.
4. Có nên mua đồng hồ qua nhà phân phối không chính thức trên mạng?
Bạn sẽ thấy khá nhiều đợt giảm giá của các hãng đồng hồ có tiếng trên mạng. Lý do là vì người bán hàng online thường mua hàng số lượng lớn của các nhà bán buôn với giá đã được giảm.
Điểm trừ của mua đồng hồ trên mạng là số seri thường bị xóa để bảo vệ nhà bán buôn, vì họ đã bán đồng hồ cho người bán hàng online (không phải là nhà phân phối được ủy quyền). Do đó, bạn không thể mang đồng hồ đến hãng để được chỉ dẫn hoặc sửa chữa. Dù giá bán thấp hơn nhưng đồng hồ của bạn thường không được bảo hành chính hãng. Hơn thế nữa, bạn sẽ mất hoàn toàn những quyền lợi mà hãng đồng hồ đem lại.
Tuy nhiên, người bán online cũng thường đưa ra những quyền lợi ngang bằng, thậm chí lớn hơn nhiều lần so với hãng. Nếu bạn quyết định mua đồng hồ qua mạng, hãy tìm mua ở những trang web uy tín như Ashford.com.
Nên nhớ rằng, một chiếc đồng hồ chính hãng thường có chất lượng cao, có thể hoạt động trong nhiều năm. Vì vậy, đôi khi, sự bảo hành của hãng hay người bán cũng chỉ là một cách để bạn yên tâm hơn mà thôi.
5. Có nên sở hữu một chiếc đồng hồ cơ?
Nếu bạn quan tâm đến kỹ thuật làm đồng hồ và sự “tinh vi” của nó, một chiếc đồng hồ cơ là lựa chọn thích hợp. Đây được coi là đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đồng hồ, và cũng được những người sành sỏi ưa chuộng.
Nhược điểm của đồng hồ cơ là nó thường thiếu chính xác khi phải lên dây thường xuyên. May mắn cho bạn, đồng hồ cơ hiện nay thường là loại lên dây tự động nên độ chính xác được cải thiện khá nhiều.
6. Chăm sóc đồng hồ như thế nào?
Đồng hồ là vật trang sức rất tinh tế, vì thế nó cần phải được chăm sóc đúng mực. Bạn nên nhớ rằng, đồng hồ chỉ chống thấm nước ở một mức nhất định (thường được ghi trên thân máy).
Đồng hồ chất lượng cao thường chống nước trong khoảng từ 100m đến 1000m. Nếu trên thân máy không ghi gì, bạn đừng đeo khi đi bơi hay tắm, bởi clo và muối có trong nước có thể ăn mòn bề mặt của nó. Nếu nhỡ nhúng xuống nước, hãy rửa đồng hồ trong nước ấm ngay sau đó.
Nên lau đồng hồ bằng Khăn thấm nước xà phòng để giữ độ bóng. Dùng bàn chải cọ phần dây đeo. Sau 3-5 năm, nên mang đồng hồ đi bảo dưỡng. Nên bọc đồng hồ trong vải mềm để tránh bị xước. Và đặc biệt là, cho dù đồng hồ có khả năng chống va đập đến mức nào, đừng bao giờ thả từ trên cao xuống để thử!
7. Loại đồng hồ nào chống xước tốt?
Mặt kính đồng hồ có 3 loại: acrylic, thủy tinh và đá sapphire, với mục đích chính là bảo vệ kim đồng hồ.
– Mặt Acrylic là một loại mặt nhựa không chống xước, nhưng có thể làm sạch các vết xước..
– Mặt thủy tinh được cấu tạo từ nhiều chất, cứng hơn 7 lần so với acrylic, chống xước một phần.
– Mặt sapphire là lựa chọn hàng đầu cho đồng hồ cao cấp. Đây là loại đá đắt nhất, được làm từ vật liệu tổng hợp siêu bền, chống vỡ và xước.
8. Thế nào là “Đồng hồ Thụy Sĩ”?
Cũng giống như Champagne, Bordeaux hay Port gắn liền với rượu, Thụy Sĩ chỉ là tên địa danh, nhưng được gắn liền đồng hồ. Người Thụy Sĩ rất nghiêm ngặt trong việc bảo đảm tính toàn vẹn và danh tiếng của đồng hồ Thụy Sĩ. Để được coi là xuất-xứ-từ-Thụy-Sĩ, một chiếc đồng hồ cần phải được sản xuất, đóng gói bởi một công ty nguồn gốc từ Thụy Sĩ.
Sản xuất tại Thụy Sĩ, tức là phải được lắp ráp trong nước, và linh kiện nội địa chiếm từ 50% trở lên. Sản phẩm sau khi lắp ráp được dán tem “Swiss”, “Swiss Made”, “Swiss Quartz”, “Suisse”, “Produit Suisse” hoặc “Fabrique en Suisse”.
Theo Chanelvn