1. Chạm tay lên mặt
Sau một thời gian dài nhìn chằm chằm vào máy tính, bạn có thể thấy mỏi mắt và thường đưa ngón tay lên dụi. Ngoài ra, nhiều người có thói quen đưa tay lên sờ má, chống cằm... Ngón tay thường xuyên tiếp xúc với bàn phím, chứa rất nhiều vi khuẩn, dễ gây mụn cho da mặt. Thêm vào đó, làn da của bạn dễ bị dầu hơn khi bị tác động quá nhiều từ ngón tay.
2. Rửa tay nhiều làm khô da
Tại văn phòng, bạn không chỉ rửa tay nhiều lần với xà phòng mà nhiều người còn chuẩn bị cả dầu rửa dạng khô với mục tích tẩy vi trùng. Tuy nhiên, việc rửa tay hoặc sử dụng nước khử trùng quá hai lần một ngày sẽ khiến lớp dầu tự nhiên trên da bị loại bỏ, gây ra hiện tượng khô và tạo nếp nhăn. Sau khi rửa tay, nên thoa kem dưỡng ẩm và cố gắng hạn chế sử dụng xà phòng. Để sẵn trên mặt bàn một lọ kem dưỡng da tay nhỏ.
3. Dùng điện thoại di động
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc áp sát điện thoại lên mặt có thể gây ra mụn. Bạn cần làm sạch điện thoại cẩn thận. Mỗi ngày, dùng chất khử trùng lau sạch điện thoại bàn và di động. Nếu được, bạn cần vệ sinh cả bàn phím và chuột mỗi ngày.
4. Ngồi vắt chéo chân
Đây là thói quen của hầu hết chị em văn phòng, nhất là khi mặc váy. Tuy nhiên, hành động này có thể gây giãn tĩnh mạch.
5. Gió từ điều hòa
Điều này có thể ngoài tầm kiểm soát của bạn nhưng ngồi dưới tấm thông gió điều hòa dễ làm khô da bạn. Có thể văn phòng không cho phép bạn mở cửa sổ cho thông thoáng và nhân sự sẽ không chấp nhận cho bạn chuyển chỗ chỉ vì lý do thẩm mỹ. Giải pháp là bạn cần thường xuyên đứng dậy và đi lại xung quanh văn phòng. Ít nhất cách này giúp làn da của bạn được nghỉ ngơi và đầu óc cũng thoải mái hơn.
6. Ít vận động
Thời gian ngồi trước máy tính quá nhiều, cả ngày ít đi lại sẽ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, vẻ đẹp của vòng hai và ba. Thói quen ngồi trước máy tính và hướng người về phía trước cũng khiến áp lực đặt lên mông nhiều hơn và dễ gây ra đau đớn. Khi ngồi cả ngày, cơ bắp dễ bị co rút và dẫn đến đau thắt mãn tính. Mỗi 45 phút bạn nên đứng lên và đi lại, vận động đôi chút.
7. Đặt màn hình quá cao
Điều cuối cùng, khi bạn ngồi trước máy tính, hãy nhớ điều chỉnh lại màn hình cho phù hợp. Nên để máy ngang tầm mắt, như thế bạn không phải ngước lên. Ngước lên quá nhiều dễ gây đau cổ.
Thùy Liên