NTK Thủy Nguyễn |
Trước khi thành danh với thời trang, Thủy Nguyễn là một họa sĩ có tiếng. Chị từng 4 lần thi vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trong đó có đến 3 lần trượt.
Rồi đến lúc kết hôn, sinh con đẻ cái, qua Ukraine định cư sẵn tiện cho việc học hội họa, chị lại thích mày mò tự học, tự thiết kế và tự may quần áo cho chính mình. Đến bây giờ thì chị đã thành nhà thiết kế. Không ngoa khi nói rằng, mọi thứ Thủy Nguyễn có ngày nay đều từ “tự thân vận động”.
Xuất thân từ một họa sĩ, chị là điển hình cho thấy bản thân mình là NTK tay ngang nhưng không hề tay mơ. Bí quyết nào để chị có thể thâu tóm cả hai lĩnh vực một cách thần kỳ đến như vậy?
Với Thủy, nghề họa sĩ cũng như thiết kế vẫn là công việc gắn liền với những mảng màu, bố cục hay câu chuyện. Cái khác ở đây là kỹ thuật. Nếu như hội họa là mặt phẳng 2D thì thiết kế thời trang là 3D, tạo nên các sản phẩm ứng dụng. Thế nên Thủy thấy 2 nghề này quả thật không có gì khác nhau.
|
Thế chị mất bao lâu để lĩnh hội các kiến thức về thiết kế?
Mình phải tự học, tự tìm tòi trên chính bản thân của mình. Từ những kết cấu cử động, khám phá chất liệu cho đến kiến tạo phom dáng… cho đến tận bây giờ Thủy vẫn đang trau dồi bản thân.
Chị chọn đi theo con đường khai thác truyền thống chứ không tuân theo dòng chảy hiện đại như 90% các nhà thiết kế hiện nay. Điều này xuất phát từ đam mê hay đơn thuần là chị nhận ra nhu cầu của khách hàng?
Vì đam mê chứ. Thời mới làm có biết khách hàng người ta thích gì, cần gì đâu. Thế nên thương hiệu của Thủy là tự phát hoàn toàn từ nhu cầu muốn cho người ta biết mình muốn nói lên điều gì.
|
Hiện tại, nhắc đến áo dài là nhắc đến Thuỷ Nguyễn. Những mẫu áo dài của chị “hot” đến mức bị nhái tràn lan. Đây là điều đáng vui hay nên buồn?
Rất là vui. Điều đó cho thấy có rất là nhiều sự đồng cảm.
Đứng trên cương vị người sáng lập một thương hiệu thì khó mà ưa nổi cái điều này vì nó khiến doanh thu bị tụt. Còn đứng trên cương vị một nhà thiết kế thì rất là thích vì ai ai cũng thích cùng mình, đồng tình với những thứ mình tạo ra. Ai nói gì đi nữa thì Thủy cũng tự tin rằng mình đang là NTK bị nhái nhiều nhất hiện nay!
Từ “Lúng Liếng” đến “Cô Ba Sài Gòn”, tất thảy đã thành trào lưu. Đẹp hay xấu với mình không quan trọng, khán giả mới là người quyết định điều đó.
Trong phim “Cô Ba Sài Gòn” cứ nhắc đi nhắc lại câu “áo dài là vĩnh cửu”. Chị có thể giải thích rằng vì sao nó vĩnh cửu?
Đây là một mong muốn. Nào đâu chỉ một tà áo dài, còn vô vàn những thứ có trong lịch sử đã được ghi nhận và tôn vinh là truyền thống. Tất thảy những điều đó mình đều mong muốn sẽ là mãi mãi. Chẳng hạn như trong “Cô Ba Sài Gòn” bên Thủy cũng có nhắc đến một vài thuật ngữ về kỹ thuật cắt may áo dài, dù ít thôi, nhưng để khẳng định rằng làm ra một bộ áo dài chẳng hề dễ dàng.
|
Đang được biết đến như một nhân vật truyền cảm hứng, chị có muốn nhận học trò để truyền lửa đam mê với thời trang truyền thống?
Theo Phật Giáo thì vạn sự đều tùy duyên. Bảo Thủy là tìm đến nhau, gặp nhau thì biết… mò nhau ở đâu? Thi thoảng Thủy nhận được một số tin nhắn qua Facebook mới ngớ ra rằng ở đâu đó, một góc nào đó, một câu nói nào đó của Thủy đã tạo nên sự ảnh hưởng đến với các bạn ấy. Trải nghiệm này mang đến niềm vui cho Thủy.
Nhưng điều quan trọng nhất là niềm cảm hứng mình khởi tạo cho những người xung quanh: Các bạn trẻ cộng sự hay con cái của Thủy. Họ có thể noi theo đường hướng của Thủy, hoặc nhận ra rằng là à, tôi sẽ chọn con đường khác.
Cuối cùng, chị có nghĩ rằng mình là một người phụ nữ thành công?
Có chứ. Thành công hơn mong đợi. Trong đó thành công lớn nhất của Thủy là 1 ngôi nhà với 4 em bé - một thứ thành công có thật chứ bên cạnh vô vàn ảo ảnh không đong đếm được, có nay mất mai.
Thủy không nghĩ mình sẽ lưu giữ được thứ thành công như thế lâu. Bây giờ ngọn lửa tự thân mình còn bùng cháy, rồi cũng đến lúc cũng tự mình thấy nguôi thì rút về thôi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bạn đọc có những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa phù hợp với chuyên mục Sống Trẻ, Guu của thegioitre.vn muốn chia sẻ tới cộng đồng, có thể gửi về hòm thư: dongvu@infonet.vn hoặc điện thoại 097.4569.097 (Đông Vũ).