Chàng lực sĩ trong bộ cánh tuxedo
V10K là chữ viết tắt của Vickers 10.000, chỉ số thể hiện độ cứng cao nhất trong hệ thống Vickers, tương đương với kim cương tự nhiên và có thể cắt bất cứ kim loại nào. Vật liệu truyền thống trong chế tác vỏ đồng hồ là thép không gỉ (stainless steel) có chỉ số Vickers là 200, nghĩa là "mềm" hơn bề mặt của chiếc Rado V10K tới 50 lần.
Hãng Rado nổi tiếng vì đi tiên phong ứng dụng công nghệ chống xước trong ngành chế tạo đồng hồ. Họ bắt đầu sử dụng kỹ thuật này từ hơn 40 năm trước bằng các loại kim loại siêu cứng. Sau đó hãng cho ra đời công nghệ phủ ceramic công nghệ cao lên vỏ đồng hồ, giúp nó có tính năng chống xước vượt trội hơn và hoàn toàn thân thiện với da người sử dụng. Giờ đây, với thành công trong việc tạo ra kim cương công nghệ cao, Rado V10K đã đạt tới đỉnh cao nhất về khả năng chống xước.
Chỉ có kim cương nguyên chất mới có khả năng để lại dấu vết trên bề mặt của một chiếc Rado V10K. Ngoài phần mặt vỏ được phủ lớp kim cương nhân tạo, mặt số màu đen đặc trưng của Rado V10K cũng được bảo vệ bởi một tấm kính sapphire cong và cũng có khả năng chống xước cao. Riêng phần vỏ đáy và khoá dây được làm từ chất liệu titanium siêu nhẹ. Còn dây đeo là sản phẩm của loại cao su tổng hợp có 4 màu lựa chọn là đen, xanh, đỏ và da cam.
V10K trong chiếc dây màu đen. |
Cũng giống như dòng sản phẩm eSenza nổi tiếng trước đây, Rado đã táo bạo loại bỏ chiếc núm vặn quen thuộc của một chiếc đồng hồ đeo tay trên model V10K, nhằm nhấn mạnh tính thẩm mỹ đặc biệt của sản phẩm này. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể dễ dàng hiệu chỉnh thời gian từ mặt đáy của chiếc V10K, thông qua một thiết bị tích hợp ở dây đeo. Đây cũng là một trong những bước đột phá độc đáo của Rado, tạo ra trào lưu mới trong ngành chế tạo đồng hồ.
Bước tiến vượt bậc về chất liệu
Chất liệu vỏ không thể "đụng hàng" của Rado V10K là kết tinh từ một quá trình nghiên cứu lâu dài của các chuyên gia về công nghệ nano. Họ đã thành công trong việc sử dụng phương pháp CVD để biến đổi carbon thành loại kim cương tinh thể nano (nanocrystalline diamond) có độ cứng tương đương với kim cương tự nhiên. Đây được coi là bước tiến nhảy vọt về công nghệ, không chỉ riêng trong ngành chế tác vỏ đồng hồ.
Trước đây, Rado từng được công nhận là hãng tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng vật liệu mới. Họ cũng thu được nhiều thành công với hai mẫu thử nghiệm là Concept 1 vào năm 1996 và Vision 1 năm 1997, trong đó Vision 1 được ghi vào sách kỷ lục Guinness như chiếc đồng hồ cứng nhất thế giới. Giờ đây, V10K đã xứng đáng để thay thế vị trí của người anh trong cuốn sách danh tiếng này.
V10K Jubilé cẩn 36 viên kim cương tự nhiên. |
Cuộc hôn phối giữa tự nhiên và nhân tạo
Dường như còn chưa thoả mãn với bước đột phá bằng việc cho công bố chiếc đồng hồ làm từ kim cương công nghệ cao, các kỹ sư và chuyên gia thiết kế của Rado tiếp tục tìm cách phối hợp giữa chất liệu này với kim cương thật, nhằm tăng giá trị và tính thẩm mỹ. Kết quả là V10K Jubilé chào đời, mang trong mình sự hoà trộn một cách đồng điệu giữa hai loại kim cương tự nhiên và nhân tạo.
Khác biệt duy nhất giữa V10K Jubilé so với V10K là có gắn thêm 36 viên kim cương tự nhiên loại TW và WS xấp xỉ 0,23 cara. Chúng được gắn thành một ô vuông bao quanh mặt số. Với phần bổ sung loại kim loại thuộc hàng "quý tộc": này, V10K Jubilé trông tinh khôi, quyến rũ và dịu dàng hơn hẳn người anh em V10K giàu chất nam tính của mình.
Đình Chính (theo GMT, FHS)