Cuối thế kỷ 19, loại suit hiện đại thời đó vẫn chưa thực sự khởi sắc vì kiểu dáng, thiết kế khá nhàm chán nhưng tựu chung lại, chúng đã có thể thay thế được các kiểu áo choàng dài và áo đi mưa cho quý ông. Vải may mặc thời đó rất đắt đỏ và còn có cấu tạo nặng nề. Đối với mùa Hè, vải dạ, vải len xe và cả flannel (chất nỉ mỏng) đều có tính chất chung là… nóng. Trong khi đó, vải lanh có nguồn gốc từ sợi cây lanh lại có những đặc tính rất lý tưởng như thoát nhiệt, nhẹ và mềm mại và giúp mọi cử động được dễ chịu thoải mái đó là nhờ vào đặc trưng của kỹ thuật dệt sợi tự nhiên. Chính vì thế, lanh nhanh chóng trở thành một chất liệu phổ biến đối với các quý ông.
Đẳng cấp và màu sắc
Cho tới Thế chiến thứ 1, những bộ suit làm bằng vải lanh đã trở thành một thứ vô cùng phổ biến đối với bất cứ ai. Giới quý tộc ưa chuộng các bộ suit lanh mang màu sáng như trắng, kem, màu vỏ trứng, v.v… trong khi tầng lớp lao động thường mang những màu tông đậm hơn như xanh hoặc nâu, lý do đơn giản là công việc hàng ngày không cho phép họ mặc đồ sáng màu vì vết bẩn, dầu mỡ khi làm việc.
Thời đó, lanh màu trắng là biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực. Hãy nhớ lại Leonardo DiCaprio đã quyến rũ và sang trọng thế nào khi khoác lên mình bộ suit trắng cảnh vẻ trong vai đại gia Gatsby?
Từ Thế chiến thứ 2 cho tới thời hiện đại
Sức hút của những bộ suit làm bằng vải lanh vẫn còn lan truyền tới tận thời kỳ Thế chiến thứ 2. Trong những năm chiến tranh, thời trang nam giới có phần ít được chú ý hơn nhưng riêng đối với suit lanh, sự thống trị kéo dài tới tận những năm cuối thập niên 60. Những năm trở lại đây, lanh lại phổ biến trở lại, đặc biệt là sự pha trộn, kết hợp cho áo khoác mùa Hè và suit thoáng mát.
Đặc tính của vải lanh
Kết cấu của vải lanh mỏng và vì vậy nó mềm mại không gây cảm giác khó chịu trên da. Tuy nhiên vải lanh cũng nổi tiếng là có nhiều nếp nhăn và nếp gấp, nhưng đây lại là chi tiết khiến suit lanh biệt với các kiểu suit thông thường, các nếp gấp trên ống tay áo tạo nên sự mềm mại, dễ kết hợp trang phục hơn bao giờ hết.
Bạn nên chọn chất liệu lanh bằng cách xoa vải áo lên tay, và cảm nhận thấy sự mát, lạnh và mềm là chính hiệu vải lanh, đảm bảo ngay cả những ngày nắng nóng nhất thì bộ đồ cũng sẽ khiến bạn có cảm giác thông thoáng, mát mẻ.
Mặc dù vải lanh có thể giặt và là ủi nhưng chớ bao giờ tính đến việc giặt một bộ suit lanh ở nhà vì nếu không biết cách, bạn sẽ phá hỏng kết cấu của vải. Hãy mang ra tiệm và giặt khô!
Cách mặc đồ lanh
Kết hợp với mũ cói hoặc mũ nồi với bộ suit lanh màu trắng sẽ đem lại hơi hướng vintage, cổ điển cho người mặc. Và để phối đồ theo phong cách hiện đại, hãy chọn suit lanh màu xanh navy hoặc xanh da trời với thắt lưng màu nâu, giày da lộn và một chiếc áo sơ mi kẻ.
Suit lanh màu nâu đẹp nhất là đi với áo sơ mi màu trắng, xanh pastel hoặc da cam kèm với caravat hoặc nơ. Trong trường hợp bạn muốn mặc một bộ vải lanh từ đầu tới chân, bạn cần để ý tới sự kết hợp giữa áo (màu trắng, beige, xanh lá, nâu) và quần (xanh đậm hoặc xám) để có một vẻ ngoài cổ điển nhưng vẫn mang phong thái, hơi hướng hiện đại.
Trong mùa Thu, tông màu tối nên được áp dụng cho suit lanh như xanh navy hoặc nâu còn những gam màu sáng như kem, khaki và nâu sáng phù hợp với cả 4 mùa.
Chính vì chất vải dễ nhăn để tạo phong cách, những ai làm việc trong văn phòng đòi hỏi tính nghiêm túc cao thì không nên diện suit lanh. Chất vải này chỉ hợp với sự phóng khoáng, lịch lãm một cách điệu đà trên đường phố.
KienThucOnline.Org theo Trí Thức Trẻ