-Tạm biệt những chú nhóc đánh giày sẵn sàng hét giá lên tới cả trăm ngàn vì một tí tẹo xi đánh xịn hay nỗi lo giày bị xước khi bị đánh qua loa ngoài phố. Giờ đây, bạn đã có thể tự đánh giày cho mình.
Không biết các bạn thế nào, chứ tôi thì cực kì thiếu tự tin khi đi một đôi giày bẩn. Đó là cảm giác mình luộm thuộm ghê gớm khi xỏ vào đôi giày, và biết chắc là sự luộm thuộm này sẽ tồn tại cả ngày liền, trước mắt hàng chục người mình gặp. Tầm quan trọng của một đôi giày đẹp đã lớn, tầm quan trọng của một đôi giày sạch bóng lại càng lớn hơn.
Chẳng điều gì có thể khiến bạn trở nên mất hình tượng, trở nên vụng về, thiếu thẩm mỹ hơn một đôi giày da cũ mòn, bám bụi hay vấy bùn đất. Mặc dù bạn luôn có thể trả tiền thuê ai đó đánh bóng đôi giày da giúp mình, bạn vẫn nên học lấy cách tự chăm sóc cho giày dép nhất là khi cuộc sống của bạn lại là những chuyến hành trình du lịch, công tác bất tận.
Chuẩn bị:
- Một mảnh vải sạch hoặc một chiếc áo phông cũ
- Một chiếc bàn chải đánh răng
- Xi đánh giày dạng kem hoặc sáp
- Một miếng vải mềm
- Dầu mỡ
Chú ý
Có hai loại hợp chất giúp làm sáng bóng: Kem và sáp. Kem chải giúp cho lớp da trên giày của bạn trở nên dẻo hơn trong khi sáp khiến chúng chống chịu nước tốt hơn. Cả hai loại đều tốt cho đôi giày da của bạn, để có kết quả tốt nhất, bạn nên sử dụng thay phiên hai loại này trong mỗi lần đánh giày.
Thực hiện
Gỡ bỏ shoe tree (nếu có), dây giày. Nhiều người không hay chú ý tới việc cởi dây giày khi đánh giày, tuy nhiên bạn nên tránh không thoa lớp kem làm sáng lên chúng. Bạn nên chú ý vào phần mũi giày phía trước, việc đánh sáng từ những chi tiết nhỏ như vậy có thể mang lại sự khác biệt cho đôi giày của bạn.
Luồn bàn tay vào giày, lật úp xuống. Tay còn lại dùng miếng vải đã thấm ẩm nhẹ nhàng gột sạch bụi bẩn và các vết bám. Đây là một bước quan trọng vì nếu để những vết đó lại, khi chải giày bạn có thể khiến đôi giày của bạn bị xước.
Giữ cho giày của bạn được khô ráo, sử dụng bàn chải tán đều kem. Chú ý, bàn chải bạn sử dụng cần có lớp lông chải cứng và ngắn. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ chải, tán kem đều lên khắp các phần của đôi giày, đặc biệt là phần gót và mũi giày bởi đó chính là phần giày được sử dụng nhiều nhất. Sử dụng bàn chải để làm sạch những phần đường nứt kẽ như các đường viền giày, phần gót với phần thân giày…Sau khi đã chải kĩ lưỡng chiếc giày thứ nhất, để sang một bên giúp cho kem hoặc sáp có thể ngấm vào giày. Tiếp tục với chiếc thứ hai.
Sau khi đã hoàn thành bước chải kem lên giày, bạn dùng một chiếc bàn chải khác có phần lông mềm để lau sạch giày. Nếu được, hãy đầu tư mỗi chiếc bàn chải khác nhau dành cho từng đôi giày. Chải giày một cách kĩ càng với tốc độ trung bình. Bạn cần điều chỉnh tốc độ của cổ tay nhanh chóng với những động tác ngắn gọn dứt khoát. Việc điều chỉnh tốc độ chải từ cổ tay rất khác với việc điều chỉnh tốc độ đó từ phía khuỷu tay. Nếu bạn tập trung lực chải vào khuỷu tay, các đường chải sẽ kéo dài và không thực sự giúp cho đôi giày của bạn trở nên bóng bây hơn. Sử dụng lực từ cổ tay có thể tạo ra sức nóng vừa đủ giúp cho đôi giày của bạn sáng hơn.
Sau khi hoàn thành bước 4, sử dụng một miếng vải mềm để lau toàn bộ đôi giày cũng như những vết bẩn bạn có thể còn bỏ sót. Đặc biệt chú ý tới phần mũi giày bởi chúng chính là phần gây ấn tượng với thế giới của bạn đó.
KienThucOnline.Org theo Trí Thức Trẻ