Lần đầu tổ chức tại Hà Nội, tuần thời trang quốc tế việt nam Thu Đông 2016 (Vietnam International Fashion Week) thu hút sự quan tâm của giới yêu thời trang. Sự kiện kéo dài từ 1 đến 6/11, quy tụ hơn 20 nhà thiết kế và thương hiệu trong - ngoài nước, trình diễn hơn 800 mẫu thiết kế với hơn 200 người mẫu. Dù được tổ chức ở địa điểm xa trung tâm, các show diễn vẫn sớm lấp đầy ghế ngồi với khoảng 1.000 khán giả mỗi đêm.
Chương trình lần này mất điểm vì quá tập trung PR cho nhà tổ chức và các thương hiệu không liên quan thời trang.
Trong đêm khai mạc, hơn một tiếng đồng hồ, khán giả tới xem show bất đắc dĩ phải ngồi nghe diễn văn khai mạc, phát biểu tôn vinh chủ tịch Vietnam International Fashion Week, tôn vinh ý tưởng và các hoạt động của ban tổ chức... Kéo theo sau là phần tặng hoa cho nhà tài trợ và nhà thiết kế... Những "thủ tục" này dài dòng so với các mùa trước ở TP HCM.
Khán giả Minh Nhật (Khâm Thiên, Hà Nội) tỏ ra bức xúc: "Không hiểu đây là show thời trang hay là show riêng tự sướng của nhà sáng lập và các nhãn hàng quảng cáo. Phần khai mạc thì chương trình nào cũng có, song có lẽ chỉ nên kéo dài trong 15 phút. Ban tổ chức có thể phát video giới thiệu trên màn hình chiếu, vừa văn minh, vừa thông minh, tiết kiệm thời gian cho cả chương trình và khán giả".
Phần giới thiệu lê thê này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và mất hứng khi bắt đầu vào show thời trang. Theo thông tin ghi trên vé mời, show Công Trí sẽ diễn ra từ 19h30, nhưng hơn 21h khán giả mới được thưởng thức bộ sưu tập Cô gái của kẻ lạ và tôi. Sau show của Công Trí và Joe Chia, khoảng 22h, nhiều sao Việt lẫn khán giả lần lượt đứng dậy ra về, bỏ trống nhiều hàng ghế trong màn biểu diễn cuối.
Hàng ghế khán giả lúc mở đầu chương trình (trên) và sau hai show diễn trong đêm khai mạc. |
Phần quảng cáo thương hiệu quá lố của Tuần thời trang cũng là điểm gây phản cảm.
Trước mỗi đêm diễn, ban tổ chức để MC đọc lời cảm ơn một loạt đơn vị tài trợ, gây mệt mỏi cho khán giả. Hướng tới sự chuyên nghiệp, song ban tổ chức lại cho phép một thương hiệu không liên quan tới thời trang tham gia trình diễn. Ở đêm bế mạc, trong show của nhà thiết kế Nguyễn Tiến Truyển, người mẫu đem máy pha cà phê lên sân khấu quảng cáo cho nhãn hàng. Ngoài ra, một thương hiệu trang sức xuất hiện trong hai đêm khác nhau với mẫu mã lặp lại cũng gây khó hiểu.
Ngoài ra, một số khâu tổ chức được đánh giá chưa thật chu đáo. Ca sĩ Min bày tỏ cô dự show tổng cộng ba tiếng rưỡi mà không có nước uống. Khách vào ngồi từ 19h30 đến hơn 22h không được nghỉ giải lao để đi vệ sinh hay ăn nhẹ, rời khỏi hàng ghế là chỉ còn cách ra về luôn.
Một khán giả xem show bày tỏ: "Địa điểm tổ chức khá xa nên mỗi ngày tôi phải chuẩn bị đồ sớm và đi từ 18h30 để tránh kẹt xe. Nếu xem hết hai show, năm đến sáu bộ sưu tập thì khoảng 22h30 đến 23h mới về nhà. Vì vậy, nhu cầu thức ăn nhẹ và nước uống rất quan trọng". Khán giả này cũng cho rằng ban tổ chức nên thông báo rõ khi nào bắt đầu thảm đỏ, khi nào diễn thời trang để tiết kiệm thời gian cho những người chỉ có nhu cầu xem show.
Bên cạnh những mặt hạn chế, Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam có nhiều điểm cộng trong lần tổ chức này.
Ý tưởng lồng ghép mô hình Ô Quan Chưởng trên sân khấu hài hòa với các bộ sưu tập, nêu bật thông điệp về sự hội nhập văn hóa. Ánh sáng, âm thanh được phát huy tối đa để tôn lên vẻ đẹp của thời trang và mang lại cảm xúc cho người xem.
Bộ sưu tập của Thủy Nguyễn tạo cảm xúc ở phần cuối với ca khúc Gió mùa về (Lê Minh Sơn), gợi không khí Hà Nội trong ngày đông rét mướt cùng tiếng rao đêm. Nhà thiết kế Phương My gây chú ý khi dựng riêng một chiếc cổng đặc trưng ở các đền thờ Nhật Bản để tăng hiệu ứng cho bộ sưu tập lấy cảm hứng từ đất nước này.
Các bộ sưu tập hướng đến tính ứng dụng cao. |
Các bộ sưu tập năm nay được đánh giá cao về tính ứng dụng theo đúng tinh thần "See Now Buy Now" (Xem ngay mua luôn). Các nhà thiết kế đều tập trung khai thác những phom dáng dễ mặc trong nhiều hoàn cảnh, đi theo xu hướng đang được ưa chuộng trong làng mốt như quần ống rộng, sơ mi xếp bèo, áo chui cổ tay phồng, trang phục mang hơi hướng đồ ngủ, váy liền thân chữ A, áo len chui cổ, váy trễ vai...
Ngoài chất lượng trang phục, một số nhà thiết kế còn có ý tưởng trình diễn độc đáo khiến khán giả thích thú. Trong bộ sưu tập của ba nhà thiết kế Thái Lan, các mẫu nam vừa catwalk vừa chạy, nô đùa như lũ trẻ cắp sách tới trường. Với show của nhà thiết kế Fanny Maleta, người mẫu Đỗ Hà không catwalk bình thường mà lê từng bước chân như búp bê lật đật với chiếc váy bó chặt hai chân. Là học viên xuất sắc của Học viện thời trang Pháp Atelier Chardon Savard, Alexandre Phạm đã biến đường băng thành sàn nhảy disco sôi động thập niên 1970.
Bài toán thiếu người mẫu chuyên nghiệp của mùa Xuân Hè 2016 cũng được khắc phục. Hầu hết người mẫu tham gia chương trình lần này đều có chiều cao trên 1,7 m, thân hình mảnh, catwalk không chuệch choạc như mùa trước. Những người mẫu khách mời không có lợi thế chiều cao như Fung La, Chi Pu... lại gây ấn tượng ở khuôn mặt đẹp, thần thái tự tin trên sàn diễn trong vai trò mở màn, tạo điểm nhấn thú vị cho màn biểu diễn. Sự xuất hiện của siêu mẫu Thu Hằng sau nhiều năm vắng bóng trên sàn catwalk với thần thái tốt cũng khiến khán giả hào hứng hơn khi xem show.
Giới trẻ Hà Nội khoe phong cách trên đường phố ở Tuần thời trang. |
2016 cũng là năm đầu tiên giới trẻ Hà Nội được tham gia sân chơi đọ phong cách đường phố. Đây là hoạt động phổ biến và phát triển mạnh mẽ ở những tuần lễ thời trang trên thế giới như Paris Fashion Week, Seoul Fashion Week... Sự xuất hiện của những tín đồ thời trang với trang phục đa phong cách, không ngại thể hiện cái tôi, sự nổi loạn qua những trào lưu gây sốt trên thế giới như khoe áo ngực, mặc sơ mi ngược, đeo yên cương... có thể gây tranh cãi nhưng cho thấy tinh thần hòa nhập.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng, khu vực thảm đỏ cũng như các bộ sưu tập từ các gương mặt tên tuổi trong và ngoài nước, vietnam international fashion week 2016 góp phần giúp khán giả hiểu hơn về chuẩn mực của các tuần thời trang quốc tế.
>> Xem thêm:
Những thiết kế ấn tượng nhất Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam