Nếu smartphone của bạn chỉ bị văng nước trúng thì sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng để nói, còn nếu nó hoàn toàn... chìm nghỉm trong nước, ví dụ như bạn lỡ tay làm rơi xuống hồ bơi hay bồn nước chẳng hạn, thì dưới đây là 10 bước "sơ cứu" vô cùng hiệu quả để tránh điện thoại "một đi không trở lại".
1. Vớt điện thoại ra khỏi nước và tắt máy ngay lập tức
Điện thoại có những khe hở mà nước có thể tràn vào dễ dàng và gây chập mạch nên bạn hãy tắt máy và chờ đến khi điện thoại thực sự khô thì hẵng mở lên lại nhé.
2. Tháo pin ra sau khi tắt máy
Ngay sau khi vớt điện thoại ra khỏi nước, bạn hãy tháo ngay pin ra để giảm thiểu rủi ro chập mạch hệ thống. Bên cạnh đó bạn hãy dùng khăn khô, sạch và mềm để lau chùi cẩn thận mặt ngoài điện thoại và cả các chi tiết bên trong.
3. Tháo rời thẻ SIM
Bạn nên tháo thẻ SIM ra lau chùi cẩn thận rồi cất ở nơi nào đó an toàn trong lúc chờ cho điện thoại khô hẳn.
4. Tắt và tháo bất kỳ thiết bị cắm ngoài nào
Tất cả tai nghe, thẻ nhớ và các phụ tùng khác như ốp lưng, lớp phim bảo vệ cũng phải được tháo ra để tránh đọng nước ở các lỗ cắm, những khe hở trên điện thoại và thậm chí là giữa lớp phim bảo vệ với màn hình.
5. Thổi khô điện thoại bằng máy hút bụi cầm tay
Dù bạn có lau chùi kỹ lưỡng đến mấy thì điện thoại chắc chắn vẫn còn bị ẩm, đó là lúc bạn sẽ cần đến máy hút bụi cầm tay. Hãy dùng máy hút bụi để hút đi nhũng giọt nước li ti mà mắt thường không nhìn thấy được và khăn đã không chùi sạch được trong khoảng 20 phút, đồng thời bạn cũng nên trở mặt điện thoại liên tục.
Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ giữ khoảng cách an toàn giữa máy và điện thoại để tránh tình trạng nhiễm điện khiến smartphone... còn "khó sống" hơn nhé.
6. Tuyệt đối không dùng máy sấy
Dù là chế độ nhỏ nhất của máy sấy cũng không thể khử sạch độ ẩm trên điện thoại mà ngược lại, luồng hơi thổi ra còn khiến nước tràn vào sâu hơn trong thiết bị, đặc biệt gây nguy hiểm cho các bộ phận điện tử cốt lõi. Không những thế, làn hơi ấm còn khiế một số bộ phận của điện thoại bị chảy ra.
7. Tiếp tục làm khô bằng gạo hoặc gói hút ẩm
Bỏ điện thoại của bạn, đã tháo vỏ và pin, vào một túi nhựa có khóa kéo chứa đầy gạo hoặc gói hút ẩm trong khoảng từ 2-3 ngày để loại bỏ hoàn toàn những giọt nước còn sót lại. Ngoài ra trong 6 giờ đầu tiên sau khi bỏ điện thoại vào túi, bạn hãy chịu khó kiểm tra mỗi giờ để xem liệu hơi nước có hiện ra trên bề mặt điện thoại không thì hãy dùng khăn khô lau đi nhé.
8. Đặt điện thoại lên khăn lông hoặc khăn hút ẩm cao
Đây là bước làm khô cuối cùng nhằm đảm bảo điện thoại của bạn đã hoàn toàn ráo nước và không còn một bộ phận nào bị ẩm nữa.
9. Gắn pin vào
Sau ít nhất 24 giờ "diệt trừ" độ ẩm trong điện thoại, bạn hãy kiểm tra xem nó đã khô hoàn toàn chưa rồi hẵng lắp pin vào và bật máy lên nhé. Bạn hãy nhớ để ý xem có nghe thấy âm thanh gì khác lạ trong lúc máy khởi động hay không vì đó là dấu hiệu cho thấy máy đang bị lỗi đấy.
10. Nếu máy không bật, hãy cắm sạc
Dù máy bạn đã khô và được lắp pin nhưng nó vẫn kiên quyết không chịu sáng màn hình, hãy thử cắm sạc vì có khả năng pin đã cạn. Thế nhưng nếu đã cắm sạc mà điện thoại vẫn cứ im lìm, tốt nhất bạn nên liên hệ với cửa hàng bảo hành sản phẩm và... "khai thật" cho họ biết tình trạng điện thoại của mình. Bạn càng cung cấp nhiều chi tiết thì nhà sản xuất càng dễ sửa chữa dế cưng của bạn hơn đấy.
Chú ý:
- Nếu điện thoại của bạn rơi vào nước biển hoặc nước có muối, hãy dùng khăn thấm nước sạch để lau nhằm loại trừ các tinh thể muối thâm nhập vào bộ nối pin.
- Tuyệt đối không dùng máy hút bụi với điện thoại còn ướt sũng vì bạn có thể bị điện giật đấy.
- Bạn phải chắc chắn đã làm khô điện thoại trước khi cắm sạc.
- Không để điện thoại ở chỗ ấm nóng quá lâu vì một số bộ phận có thể bị chảy. Ngoài ra bạn cũng đừng làm nóng pin vì nó có thể bị rò rỉ và phát nổ.
- Tránh tự mình "phẫu thuật" điện thoại vì nếu không có đủ kiến thức và tay nghề, bạn có thể gây ra chập mạch cho điện thoại hoặc nhiễm độc hóa chất cho chính bản thân mình.
Không được tự ý tháo rời từng bộ phận của máy nếu bạn không đủ kiến thức và tay nghề nhé.
(Ảnh: wikiHow)