Có thể bạn chưa biết rằng 10 thương vụ M&A tiềm năng dưới đây không chỉ là những tin đồn mờ nhạt trong dư luận. Kỳ thực, chúng đã trở thành đề tài thương thảo giữa các lãnh đạo, là chủ đề phân tích của nhiều chuyên gia.
Tiếc rằng, chúng chưa bao giờ (hay không bao giờ?) trở thành sự thật.
1. microsoft định thâu tóm Yahoo
Yahoo giờ là một đơn vị trực thuộc Apple, song từ năm 2008, cựu CEO của Microsoft là Steve Ballmer đã từng muốn thâu tóm Yahoo với cái giá 45 tỷ đôla Mỹ ở thời điểm bấy giờ. Phi vụ này bất thành bởi CEO Yahoo là Jerry Yang cùng ban bệ của mình cho rằng hãng đã bị “định giá thấp quá đáng”, đồng thời yêu cầu mức chi trả cao hơn, song Microsoft không chịu và chấp nhận …bỏ đi.
Cựu CEO của Microsoft, ông Steve Ballmer.
Xem ra, Microsoft khá …khôn ngoan, bởi sau 7 năm, Yahoo hiện có giá trị chỉ vào khoảng 36 tỷ đôla Mỹ.
Cựu CEO Yahoo thời điểm năm 2008, Jerry Yang.
2. Yahoo muốn mua Facebook
Trước khi đối mặt với các tham vọng thâu tóm từ nhiều “ông lớn” thì Yahoo cũng là một tay chuyên săn lùng các doanh nghiệp công nghệ. Năm 2006, Yahoo đã cố “chiêu hàng” facebook với giá chỉ 1 tỷ USD. Ở thời điểm đó, Facebook chỉ là một startup non trẻ, và nhà sáng lập Mark Zuckerberg suýt chút nữa đã đồng ý.
CEO Yahoo năm 2006, Terry Semel.
Thế nhưng, CEO của Yahoo ở thời điểm đó là Terry Semel đã rút lại đề xuất 1 tỷ đô vào phút cuối, đòi giảm giá xuống còn 850 triệu đô mà thôi. Zuckerberg từ chối, và đây hóa ra lại là quyết định thông minh của anh: giờ mạng xã hội được định giá hơn 250 tỷ đôla Mỹ.
Bị "mặc cả", Facebook không chịu "bán mình" cho Yahoo.
3. Microsoft: thêm một giấc mộng không thành với Salesforce
Cũng theo nhiều báo cáo từ các nguồn uy tín thì Microsoft đã toan tính mua về Salesforce với giá 50 tỷ hồi đầu năm nay. Có tin đồn liên đới với thương vụ này còn cả những cái tên đình đám như Oracle, SAP và Google.
CEO hiện thời của Microsoft, Satya Nadella.
CEO Marc Benioff của Salesforce.
Tuy nhiên, CEO của Salesforce Marc Benioff đòi 70 tỷ đô chi phí sáp nhập. “Hét” giá như vậy, trong thời điểm hiện nay, nghe chừng hơi quá đáng với ông trùm phần mềm, và thương vụ nhanh chóng chìm vào im ắng. Hiện Salesforce vẫn là một doanh nghiệp độc lập với giá trị vốn hóa hơn 45 tỷ đô và dự kiến doanh thu năm nay sẽ vượt 6 tỷ.
4. Apple tức tối vì không thể “hàng phục” Dropbox
Cố chủ tịch Steve Jobs từng có ý đồ mua lại Dropbox, nhưng CEO Drew Houston của dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu nói thẳng anh không có ý định bán công ty của mình. Tự ái, ngài Jobs nói thẳng với anh chàng Houston: Dropbox chẳng phải công ty, nó chỉ là một thứ “tính năng” mà thôi.
CEO trẻ tuổi của Dropbox, Drew Houston.
Nhưng qua nhiều năm, Dropbox đã lớn mạnh và cứng cáp hơn nhiều, với giá trị hiện đạt khoảng 10 tỷ USD. Trong khi đó thì iCloud, một sản phẩm lưu trữ na ná Dropbox của Apple lại đang đối mặt với một số vấn đề bảo mật nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
5. Snapchat “không thèm” cái lợi trước mắt, từ chối Facebook
Khi đã IPO và trở thành một công ty công nghệ hùng mạnh, Facebook không còn lo bị ai thâu tóm và bước đầu xây dựng những ý tưởng thâu tóm cho riêng mình. Năm 2012, mạng xã hội đã cố thuyết phục CEO Evan Spiegel của Snapchat bán lại công ty cho mình với giá 3 tỷ đô. Song, Spiegel có lập trường rất rõ ràng: “Mấy ai trên thế giới lại xây dựng được một doanh nghiệp với dịch vụ đặc thù thế này. Tôi cho rằng chạy theo cái lợi trước mắt là điều không nên.”
Facebook định quy Snapchat về một mối, song không thành.
Qua chuyện này, mới thấy Evan Spiegel là một người rất "tỉnh táo" và khôn ngoan.
Hẳn là cái giá 3 tỷ chẳng là gì với giá trị 16 tỷ của hãng này hiện nay. Sau khi ý đồ thâu tóm bất thành, có tin đồn Mark Zuckerberg đã “dọa” Evan Spiegel rằng Facebook sẽ sớm tung ra một dịch vụ tin nhắn tự hủy giống y như Snapchat là Poke. Đến giờ vẫn chưa thấy Poke đâu!
6. Tesla suýt “về đội” Apple
Năm 2014, có các báo cáo cho thấy CEO Tesla là Elon Musk đã có cuộc gặp với Giám đốc phụ trách M&A của Apple là Adrian Perica, và về sau cũng thừa nhận chuyện này với CNBC. Tuy nhiên, vị CEO đại tài cũng cho biết “có rất ít khả năng” ông sẽ bán Tesla, dập tắt hi vọng về một thương vụ Apple-Tesla đầy triển vọng.
Có ai ngờ Tesla từng bị Apple "nhòm ngó".
Đầu năm nay, lại rộ lên tin đồn Apple đang tìm cách phát triển và sản xuất mẫu xe điện riêng. Hẳn là Táo khuyết rất tức tối sau thương vụ bất thành năm ngoái.
7. Microsoft lại thất bại với Adobe
Năm 2010, Thời báo New York đưa tin CEO của Adobe là Shantanu Narayen đã gặp gỡ cựu CEO của Microsoft là Steve Ballmer để bàn về một thương vụ mua lại tiềm năng. Hẳn cũng để tránh lặp lại cảnh bẽ bàng như những lần trước, Ballmer đã rào đón với giới truyền thông khi được yêu cầu cho biết ý kiến về thương vụ này: “Nếu bạn định làm gì thì đừng có nói gì cả.”
Đáng tiếc, toan tính với Adobe cũng chẳng thành, và cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc cứ tiếc rẻ: Adobe hoàn toàn có khả năng biến Microsoft trở thành một ông trùm quyền lực trong lĩnh vực phần mềm điện toán đám mây.
CEO của Adobe, Shantanu Narayen.
8. Có tin đồn Samsung muốn mua lại Blackberry
Tháng 1/2015, Reuters đưa tin về vụ M&A tiềm năng giữa Samsung và Blackberry với cái giá đưa ra là 7,5 tỷ. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp đều phủ nhận thông tin này.
Gia đình quyền lực họ Lee.
CEO John Chen của thương hiệu smartphone "dâu đen".
Theo đó, Samsum được cho là “đã muốn gửi thông điệp thâu tóm Blackberry của mình tới Apple và Microsoft”, giữa bối cảnh hãng sản xuất smartphone “siêu bảo mật” đang vật lộn chốn thương trường, song vẫn nắm giữ một lượng lớn bằng sáng chế đáng giá có thể giúp thúc đẩy mảng kinh doanh di động thông minh cho Samsung.
9. Microsoft với ý đồ thâu tóm Netflix
Năm 2012, một tin đồn về việc Microsoft thâu tóm Netflix đã giúp đẩy giá trị cổ phiếu của trang chia sẻ video lên 13%. Kênh tin tức công nghệ CNET về sau cũng khẳng định rằng trang này đã từng thấy email của một ngân hàng phố Wall có nhắc đến việc Microsoft sẽ trả cho Netflix mức phí chuyển đổi 90 USD/cổ phiếu.
Dù không hãng nào lên tiếng thừa nhận chuyện này, song rõ ràng việc Netflix không “bán mình” cho Microsoft là quyết định thông minh: ở thời điểm đó, giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp này cực kỳ sôi động và đạt giá trị cao chưa từng thấy.
10. Cuối cùng, là câu chuyện giữa Google và Uber
Đầu năm nay, người ta đồn rằng Google muốn sở hữu toàn bộ ứng dụng chia sẻ phương tiện “gây sốt” Uber. Thực tế Google vẫn là nhà đầu tư chủ chốt của Uber, với giá trị rót vốn ước chừng 258 triệu đôla Mỹ.
Thế nhưng, để độc chiếm uber thì xem ra Google “không có cửa”. Cái tên Uber ngày càng được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới, với số người dùng không ngừng gia tăng (mặc dù hãng cũng liên tục đối mặt với những sức ép pháp lý hay dân sự tại nhiều quốc gia). Hiện startup Uber có giá trị vào khoảng 50 tỷ đôla Mỹ, và Google đành “ngậm ngùi” phát triển một mô hình dịch vụ giống Uber cho riêng mình.