Một tỷ USD không phải một con số tầm thường. Đạt được mức định giá đó trong khoảng thời gian chỉ 1, 2 năm còn là điều phi thường hơn nữa.
Nhưng 14 doanh nghiệp dưới đây đã phải khiến giới công nghệ thế giới trầm trồ khi nhanh chóng cán mốc tỷ đô chỉ sau vài năm thành lập.
Đó là những công ty nào vậy?
14. Square
Thời gian để đạt được định giá 1 tỷ đô: 2,93 năm
Giá trị ghi nhận mới nhất: 6 tỷ USD
Tổng mức đầu tư huy động được tính tới thời điểm hiện tại: 590 triệu USD
Square là doanh nghiệp chuyên về dịch vụ thanh toán trên di động thành lập bởi Jack Dorsey, CEO tạm thời kiêm nhà đồng sáng lập mạng xã hội Twitter. May mắn hơn người anh em của mình, Square hiện đang ăn nên làm ra và nổi tiếng với các sản phẩm đầu đọc thẻ tín dụng và quầy thanh toán tại điểm bán, bên cạnh dịch vụ cho vay doanh nghiệp mới mở gần đây. Tháng 7 vừa qua, công ty tuyên bố đang chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để xin niêm yết đại chúng.
13. Zynga
Thời gian để đạt định giá 1 tỷ đô: 2,88 năm
Mức định giá gần nhất: 2,5 tỷ USD (ghi nhận trong ngày 15/8/2015)
Tổng mức đầu tư huy động: Trở thành công ty đại chúng vào năm 2011
Từng là công ty sản xuất game online “hot” nhất trên thế giới, hẳn những cái tên như FarmVille, Mafia Wars hay Zynga Poker không xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, thời gian gần đây Zynga gặp một số khó khăn trong hoạt động và giá cổ phiếu sụt giảm hơn 50% chỉ trong 18 tháng. Với ưu thế một startup công nghệ có năng lực, cùng sự trở lại của sáng lập viên Mark Pincus với tư cách CEO vào tháng 4 vừa qua, hi vọng kỳ lân Zynga sẽ sớm bắt kịp trở lại tốc độ thần tốc của mình.
12. Lazada
Thời gian để cán mốc công ty tỷ đô: 2,75 năm
Giá trị công ty ghi nhận gần đây nhất: khoảng 1,12 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư tính tới thời điểm hiện tại: 710 triệu USD
Được mệnh danh Amazon của Đông Nam Á, Lazada hiện là một trong những địa chỉ mua sắm trực tuyến lớn nhất hiện nay tại khu vực này. Thị trường trọng điểm của Lazada bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, những hãng kinh doanh hàng tiêu dùng như Lazada phải nhọc nhằn cân đối giữa chi phí và doanh thu lợi nhuận. Năm ngoái, dù có doanh thu không hề nhỏ lên tới 154,3 triệu đô, song Lazada vẫn lỗ 152,5 triệu.
11. Instacart
Tốc độ cán đích 1 tỷ đô: 2,58 năm
Định giá gần nhất: 2 tỷ USD
Tổng mức đầu tư tính tới nay: 274 triệu USD
Instacart khiến cho trải nghiệm “đi chợ” mỗi ngày trở nên dễ dàng và giản đơn hơn bao giờ hết. Website cho phép bạn thực hiện đặt hàng online, sau đó sẽ có người tới tận điểm bán, nhận hàng và mang về nhà cho bạn. Danh sách các trung tâm thương mại/ siêu thị có ký kết hợp tác với Instacart bao gồm Safeway, Whole Foods và Costco (là 3 trong số các đại siêu thị bán buôn bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ). Công ty này cũng nhận được vốn đầu tư từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn và uy tín nhất như Kleiner Perkins, Andreessen Horowitz và Sequoia Capital.
10. Webvan
Tốc độ cán đích 1 tỷ đô: 2,56 năm
Giá trị hiện thời: Đã phá sản!
Tổng vốn đầu tư: 441 triệu USD trước khi IPO vào năm 1999
Có thể nói Webvan là “người tiền nhiệm” của công ty Instacart nói trên trong giai đoạn thập niên 90, chuyên vận chuyển hàng hóa – lương thực – thực phẩm tới nhà khách hàng, song nguồn sản phẩm lấy từ chính các nhà kho do đơn vị này sở hữu, giá trị hàng lưu tại mỗi kho có thể lên tới 40 triệu đôla Mỹ. Tuy nhiên, cũng chính vì khoản phí vận hành khổng lồ mà Webvan đã “đốt” hết 800 triệu đô tiền mặt trong chưa đầy 3 năm và rơi vào tình cảnh phá sản, biến công ty này trở thành một trong những nạn nhân của thời kỷ bùng nổ bong bóng dot-com.
9. Pinterest
Thời gian để cán mốc công ty tỷ đô: 2,46 năm
Giá trị công ty ghi nhận gần đây nhất: 11 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư tính tới thời điểm hiện tại: 1,3 tỷ USD
Là một trong số các mạng xã hội đình đám nhất hiện nay, Pinterest cho phép người dùng “ghim” ảnh trên “tường nhà mình” và chia sẻ chúng. Đó có thể là ảnh chụp trong một chuyến đi chơi, một cảnh vật quen thuộc, một món ăn tự nấu, một con vật cưng đang say ngủ hay một chiếc áo mới mua mà bạn muốn khoe với mọi người. Chỉ là một ý tưởng giản đơn song dự kiến số người dùng hoạt động (active users) của Pinterest chỉ tính riêng tại Mỹ trong năm sau sẽ đạt tới con số 50 triệu.
8. Didi Kuaidi
Thời gian để đạt được định giá 1 tỷ đô: 2,43 năm
Giá trị ghi nhận mới nhất: 15 tỷ USD
Tổng mức đầu tư huy động được tính tới thời điểm hiện tại: 950 triệu USD
Xứng danh Uber của Trung Quốc, phải thừa nhận rằng Didi Kuaidi đã có những bước phát triển thần tốc và thuận lợi hơn nhiều so với đối thủ, nhờ sự chống lưng của hai trong số những doanh nghiệp công nghệ hùng mạnh nhất châu Á là Alibaba và Softbank. Theo một thống kê, lượng người dùng Didi Kuaidi hiện đã lên tới 200 triệu người.
7. Twitter
Tốc độ cán đích 1 tỷ đô: 2,32 năm
Giá trị hiện thời: khoảng 19 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư: Trở thành công ty đại chúng từ năm 2013
Nhiều người cho rằng mạng xã hội chim xanh đang đi vào giai đoạn thoái trào và đường hướng phát triển tương lai quá mù mờ tăm tối, song không thể phủ nhận những gì mà Twitter đã nỗ lực để đạt được: hơn 316 triệu lượt người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn thế giới và danh hiệu “kỳ lân công nghệ” đáng giá tỷ đô chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động. Sau báo cáo hoạt động kinh doanh quý trước đáng thất vọng, Twitter đang chứng kiến giá cổ phiếu của mình sụt giảm quá nửa giá trị, giữa bối cảnh vẫn còn nhiều xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo, quản lý.
6. Yello Mobile
Số năm cần để chạm mốc tỷ đô: 2,28 năm
Định giá gần nhất: 1 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư tính tới thời điểm hiện tại: 100 triệu USD
Yello Mobile là một doanh nghiệp di động/ truyền thông của Hàn Quốc sở hữu 71 startups nhỏ trực thuộc hoạt động trong đa dạng các lĩnh vực, từ thương mại, marketing cho đến quảng cáo trên di động. Yello nổi lên sau khi nhận được khoản rót vốn 100 triệu đô từ quỹ đầu tư mạo hiểm Formation 8.
5. Calient Technologies
Số năm cần để chạm mốc tỷ đô: 2,02 năm
Định giá gần nhất: 247 triệu USD
Tổng vốn đầu tư tính đến thời điểm hiện tại: 428 triệu USD
Nhìn vào những con số nêu trên thì có thể thấy kỳ lân công nghệ Calient Technologies giờ đã… mất sừng. Là doanh nghiệp đón đầu xu thế công nghệ với các dịch vụ mạng đám mây và trung tâm dữ liệu, Calient đạt giá trị 1 tỷ đô thời điểm 14 năm về trước, một thành tích đáng gờm. Thế nhưng, chỉ trong vòng một thập kỷ sau đó, Calient đã đánh mất phong độ cùng 75% giá trị của mình, một điều thật sự đáng tiếc, nhất là khi cân nhắc dấu hiệu bùng nổ của big data và hệ dịch vụ đám mây thời gian gần đây.
4. Xiaomi
Thời gian để cán mốc tỷ đô: 1,71 năm
Mức định giá gần đây nhất: 45 tỷ USD
Tổng giá trị đầu tư tính tới thời điểm hiện tại: 1,4 tỷ USD
Không có gì để bàn cãi, Xiaomi là hãng sản xuất smartphone Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc, với lượng người dùng trung thành ngay tại quê nhà áp đảo cả các đối thủ “máu mặt” như Apple hay Samsung. Nhìn vào giá trị hiện thời khoảng 45 tỷ đô là đủ thấy tầm vóc của Xiaomi trên đấu trường công nghệ thế giới. Được mệnh danh là “Apple của Trung Quốc”, có một sự thật ít ai biết là chính nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun của hãng cũng thường bắt chước cách ăn vận của huyền thoại Steve Jobs xưa kia, với quần jeans xanh, áo phông đen và giày tennis (trong các sự kiện ra mắt sản phẩm).
3. Akamai Technologies
Số năm để đạt định giá 1 tỷ đô: 1,58 năm
Giá trị vốn hóa thị trường mới ghi nhận: 13 tỷ đô
Tổng đầu tư: Công ty đại chúng
Là mạng truyền dẫn nội dung giúp thúc đẩy tốc độ và đảm bảo an toàn đường truyền internet, hiện Akamai xử lý gần 30% lưu lượng của toàn bộ các website và hơn 2 nghìn tỷ tương tác trên mạng mỗi ngày. Công ty này đã niêm yết đại chúng từ tháng 10/1999.
2. Groupon
Số năm để đạt định giá 1 tỷ đô: 1,46 năm
Giá trị vốn hóa thị trường mới ghi nhận: 2,82 tỷ đô
Tổng đầu tư: Công ty đại chúng
Groupon là trang thương mại xã hội nổi lên từ 5 năm trước và nhanh chóng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với mức giá 20 USD. Đáng tiếc là hiện nay, Groupon có dấu hiệu mất nhiệt, cổ phiếu sụt giảm 75% giá trị xuống còn 4 USD. Tuy thế, hãng vẫn tự tin vào vị thế của mình, với 48,6 triệu khách hàng và doanh thu hơn 3 tỷ đô trong năm ngoái (dù vẫn lỗ 73 triệu USD).
1. Slack
Thời gian cần để cán đích 1 tỷ USD: 1,25 năm
Giá trị ghi nhận gần nhất: 2,8 tỷ USD
Tổng mức đầu tư tính tới thời điểm hiện tại: 340 triệu USD
Là doanh nghiệp phần mềm chuyên về ứng dụng truyền thông và kết nối trong công việc mới được giới thiệu 2 năm về trước, song Slack hoàn toàn có quyền tự hào với bước tiến thần tốc của mình, điều mà nhiều siêu cường công nghệ khác không để đạt được trong 15 tháng hoạt động đầu tiên. Nhu cầu nâng cao hiệu quả trong quá trình làm việc đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ứng dụng như Slack và tháng trước công ty này ghi nhận 1,1 triệu lượt người dùng hoạt động hàng ngày. Hãng cũng cho biết kỳ vọng doanh thu hàng năm sẽ đạt 30 triệu đôla Mỹ, tức là tương ứng 250.000 USD doanh thu mỗi ngày.