Thế giới công nghệ tuần qua rộn ràng với sự kiện phát hành Wins 10 của Microsoft, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là màn ra mắt 3 dòng smartphone mới nhất của Motorola bị “giảm nhiệt”. Thứ 3 tuần này, Moto “chào hàng” 3 model mới trong 3 sự kiện tách biệt. Điều đặc biệt là trong những nỗ lực vươn lên của thương hiệu di động, người ta dường như thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình của người …chủ cũ, Google. Vì sao lại vậy?
Vì cùng chung chí hướng
Trong kỳ google I/O cách đây mấy tháng, Phó chủ tịch cấp cao Sundar Pichai tuyên bố về sứ mệnh của Google trong việc phát triển những loại hình công nghệ hỗ trợ cho tất cả mọi người và có thể đến với tất cả mọi người. Điều này lại được phản ánh chân thực trong định hướng chiến lược của …Motorola trong vài năm trở lại đây.
Không ngừng phát triển những mẫu di động thông minh chất lượng cao với ngân sách hạn hẹp, điện thoại moto liên tục “phá giá” thị trường và làm các đối thủ giật mình thon thót. Tuần vừa rồi, phiên bản điện thoại moto g lừng danh thế giới tiếp tục được nâng cấp với thêm nhiều tính năng vượt trội, trong khi Moto X được chia làm hai loại: X Style và X Play dành cho những tín đồ công nghệ có “gu” – cả hai đều có mức giá thấp hơn rất nhiều mẫu di động smartphone đình đám ở thời điểm hiện tại.
Cùng bạo gan trong hướng tiếp cận thị trường
Một thực tế không vui với nhiều người dùng công nghệ Việt Nam và các quốc gia khác, đó là giá các dòng di động Motorola đời mới “xách tay” cũng không thực sự rẻ, do các chi phí thuế và vận chuyển phát sinh. Tuy nhiên tại Hoa Kỳ, những dòng máy Moto thực sự tạo nên những đột phá về giá trị.
Cụ thể, Motorola từ chối ký kết hợp tác với các nhà mạng, chính thức tung ra Moto X với giá chỉ 399 USD, unlocked và có thể tương thích với mọi mạng viễn thông. Moto X cũng được phát hành trực tiếp qua Motorola, Amazon hoặc Best Buy. Cách thức tiếp cận thị trường này khiến ta nghĩ đến cách Google đã làm với Nexus: cũng lờ đi các nhà mạng và tạo một mối quan hệ trực tiếp giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Xem ra, Motorola đang kế thừa “di sản” của Google và góp phần hiện thực hóa giấc mơ của người chủ cũ.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng cả Google và Motorola đều không có ý “chọc tức” các nhà mạng, mà chỉ đơn thuần theo đuổi những chiến lược nhiều khả năng đem về lợi ích mong muốn. Rõ ràng trong trận tiền mới, Motorola đang đặt mình vào thế khó khi quyết tâm tự bơi mà không cần chiếc phao nâng đỡ mang tên “bao cấp nhà mạng” cùng các chiêu thức marketing rầm rĩ, và cũng bởi thế, Motorola xứng đáng nhận được sự cảm phục của nhiều đối thủ, đối tác và cả người dùng di dộng. Xưa nay, cách thức vận hành “điếc không sợ súng” như thế này vốn chỉ được áp dụng bởi những người chơi “cấp thấp” như OnePlus, Alcatel One Touch hay Huawei.
Giấc mơ “ android thuần chủng”
Bên cạnh đó, Motorola cũng đối mặt với những rủi ro nhất định khi cạnh tranh với các đối thủ ngang tầm như HTC và LG vốn vẫn chịu sự chi phối của hai nhà mạng lớn như AT&T và Verizon. Trong khi HTC cố gắng phần nào thoát khỏi cái bóng của Android bằng việc phát triển phần mềm giao diện người dùng Sense giúp phân biệt điện thoại HTC với những mẫu di động cùng hệ điều hành khác và tạo ra những giá trị gia tăng cho người dùng, Motorola khẳng định “chỉ Android đã là quá đủ” và đem đến những mẫu điện thoại nguyên sơ nhất, với sự gia giảm một vài ứng dụng và tính năng hỗ trợ như Active Display. Đó chẳng phải điều mà Google luôn mong đợi hay sao?
Thế nhưng, Giám đốc Thiết kế của Motorola cũng khẳng khái tuyên bố: điện thoại Motorola đời mới “chịu rất ít ảnh hưởng từ Google hay Lenovo" . Kỳ thực, Motorola hoàn toàn tự do với những ý tưởng sáng tạo của mình cũng như tự do theo đuổi những kỳ vọng công nghệ lớn lao. Mặc dù “rơi” vào tay ai, điện thoại Moto vẫn có cái “chất” của riêng mình.
Tự tin sải cánh với người chủ mới
Thêm vào đó, nhiều nhà phân tích công nghệ cũng tin vào một giả thuyết khác (khá gây tranh cãi) về thương vụ nhượng lại Motorola của Googe: phải chăng ông trùm công nghệ muốn để Motorola tự bay bằng đôi cánh của mình, để tự do tung hoành và phát triển những mẫu điện thoại mới mang linh hồn của …Google, để làm một sứ giả truyền tin của Google trong một giai đoạn mới của thị trường công nghệ.
Dù có mối quan hệ chủ - tớ rất hòa hợp thời còn “bên nhau”, song Motorola không đem về cho Google nhiều lời lãi (nếu không muốn nói thẳng là …lỗ chỏng chơ), và Google cũng không có định hướng lâu dài với mảng phần cứng di dộng. Trong khi đó, lenovo vừa có tiềm lực tài chính, vừa có đủ lòng kiên định để tái thiết một thương hiệu di động khá “chất” nhưng chưa biết thực hiện những bước đi khôn ngoan, hợp thời. Cũng chính nhờ Lenovo mà Motorola có được chỗ dựa vững chắc – điều mà HTC không có được, đồng thời tự tin “tái xuất giang hồ” mà không phải luồn cúi các nhà mạng di dộng.
Ở đây cũng xin nói đến cái tài khéo của công ty Lenovo trong các bước đi thâu tóm chiến lược của mình. Hãy nhìn lại thương vụ mà hãng này thực hiện với thương hiệu máy tính cá nhân ThinkPad của IBM. Ban đầu, người ta chê Lenovo là “đồ Tàu”, là “cùi bắp”, nhưng cũng không thể quay lưng trước thực tế: hãng công nghệ Trung Hoa đã từng bước vươn lên, hiện lot top 10 các nhà sản xuất máy tính bảng hàng đầu thế giới. Không táy máy quá nhiều vào “nội dung” ThinkPad, Lenovo chỉ đặt tên mình trên khối máy, còn linh hồn ThinkPad thì được giữ nguyên để tiếp tục chinh phục người dùng – đặc biệt là giới doanh nhân. Với chiến thuật khôn ngoan đó, ai dám bảo Lenovo không thể tiếp tục thành công trên thị trường điện thoại di động thông minh – với Moto G và Moto X.
Kết.
Hẳn nếu Google thực sự là một nhà sản xuất smartphone, hãng này sẽ làm đúng theo cách mà Motorola đang làm: đó là cho ra đời những mẫu di động Android “thuần chủng”, không pha tạp, giá tốt và chẳng e dè các nhà mạng, lại bóng bẩy, cứng cáp và thoáng “chất” điên trong thiết kế của mình. Motorola đang thể hiện linh hồn Google rõ hơn bao giờ hết. Và nhiều người tin rằng hãng đang đi đúng hướng.