Tin hay không tùy bạn, nhưng khoa học đã chứng minh mỗi cá nhân được sinh ra với một mức độ thông minh nhất định. Có những người rất khôn ngoan, lanh lợi và chỉ số IQ cao chót vót, tạo điều kiện để họ tự mình khám phá và nuôi dưỡng trí óc với những hoạt động lành mạnh, sáng tạo khác người. Trong khi đó, những người có mức độ thông minh vừa phải (đại đa số chúng ta) đôi khi lại gặp khó khăn trong việc phát triển IQ của mình cao hơn nữa, do những thói quen có hại đến từ nhịp sống thường nhật.
Nếu thói quen có tác động lớn đến vậy tới thể chất và tư duy con người, tại sao không rèn rũa những loại hình thói quen “có lợi”, khiến con người thông minh hơn, sáng tạo hơn?
1. Chơi một loại nhạc cụ
Từ lâu, người ta đã biết đến tác dụng của âm nhạc trong việc xoa dịu những căng thẳng thần kinh cũng như trấn an tinh thần cho những tâm hồn mỏi mệt, buồn bã. Đặc biệt, khi tập trung chơi một bản nhạc trên một nhạc cụ nào đó, vùng liên kết hai bán cầu não (corpus callosum) được “thắp sáng”, giúp củng cố và tạo nên các liên kết mới.
Đặc biệt, việc kích hoạt hoạt động của corpus callosum sẽ giúp thúc đẩy các năng lực chuyên môn, khả năng ghi nhớ, giải quyết vấn đề cũng như các chức năng não bộ tổng thể bất kể bạn ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Rõ ràng, tác dụng tăng cường trí lực của âm nhạc và việc chơi nhạc sẽ khiến con người ta thông minh hơn.
2. Đọc sách
Nhiều người lầm tưởng rằng đọc là một hoạt động tiếp nhận thụ động, và khó có thể cho rằng con người có thể thông minh lên chỉ bằng việc lĩnh hội những kết tinh trí tuệ của người khác trên trang giấy.
Nhưng sao bạn lại cho rằng tiếp nhận tri thức thụ động lại cản trở chúng ta chủ động nâng cao khả năng trí tuệ của mình. Khoa học đã liệt kê vô số tác dụng của việc đọc truyện, đọc sách, bao gồm giảm stress, cảm thấy cuộc sống thi thú hơn cũng như củng cố 3 loại hình trí tuệ: thể lỏng (fluid), thể kết tinh (crystallized) và cảm xúc (emotional). Đặc biệt, những cuốn sách giả tưởng/ thần bí giúp luyện cho con người khả năng tư duy logic cũng như nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tính sáng tạo cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Sách, cùng với những triết lý, nhưng thông điệp ẩn chứa dưới những tầng lớp ngôn ngữ miên man, cũng giúp con người ta trong các hoạt động giải quyết vấn đề của đời sống thường nhật, dạy con người cách quan sát, nhận biết và phản hồi với những cảm xúc hay trạng thái của vạn vật xung quanh.
3. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục là một hình thức vận động thể chất có tác dụng nhanh chóng và trực tiếp tới tinh thần và trí tuệ con người. Khi tập luyện đều đặn, các tế bào thường xuyên được “tưới tắm” trong BDNF - một protein thúc đẩy ghi nhớ, học hỏi, độ tập trung và năng lực nhận biết.
Các cụ nhà ta thì thường diễn giải đơn giản, rằng khi tập luyện, máu lưu thông nhanh mạnh hơn trên khắp cơ thể và lên cả não, khiến não bộ kích thích và sản sinh ra các hoạt chất giúp nó minh mẫn và tỉnh táo hơn. Trên thực tế, cơ chế tác động của các bài tập thường xuyên diễn ra khá phức tạp và đa chiều bên trong mỗi người, và ta chỉ cần biết một thực tế là ngồi quá nhiều chẳng “lợi lộc” gì cho sức khỏe về lâu về dài là đủ để cho ta đứng lên, vươn vai và làm vài cử động nhẹ nhàng.
4. Học một ngôn ngữ mới
Thay vì cố giải những câu đố hóc búa, tại sao không rèn luyện trí tuệ của mình bằng một ngôn ngữ mới hoàn toàn khác biệt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ đa ngôn ngữ (được nuôi dưỡng trong môi trường sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ trở lên) có xu hướng thông minh hơn và phản ứng tốt hơn với những câu đố “hại não”. Lẽ dĩ nhiên, dạy trẻ con song ngữ ngay từ thưở ấu thơ cũng có điểm cộng và điểm trừ, song với người lớn nói chung thì học thêm ngoại ngữ chỉ có lợi chứ chẳng hề có hại.
Đó là do khi học một thứ tiếng mới, não bộ phải hoạt động căng thẳng hơn với các tác vụ ghi nhớ và đối chiếu, kích thích mạnh trung khu thần kinh ngôn ngữ và sáng tạo. Điều này lý giải vì sao một người giỏi tiếng Anh thường thành công hơn trong quá trình xin việc cũng như sự nghiệp nói chung. Không chỉ bởi khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên nước ngoài để mở mang kiến thức, người nói tiếng Anh thành thạo cũng thường có tư duy thẳng thắn khúc chiết, đi vào trọng tâm vấn đề cũng như tiếp cận vấn đề với cái nhìn khách quan, phản biện và logic hơn. Đó chỉ là một ví dụ về tác dụng của ngoại ngữ đối với trí tuệ con người.
5. Ôn luyện kiến thức thường xuyên
Bạn có để ý rằng thời con đi học, đa phần các sinh viên (trong đó có thể có cả bạn nữa) thường khá mải chơi trong cả kỳ và rồi cuống cuồng ôn thi 1-2 tuần cuối trước khi bài thi sát hạch được tổ chức. Cách này có thể đem lại hiệu quả tức thời, bởi kiến thức tiếp nhận không bị dàn trải trong một thời gian quá dài (bạn ôn trọn vẹn một giáo trình chỉ trong vài tuần thay vì vài tháng), đồng thời bạn cũng dễ tìm ra những “chiêu trò” giúp cho bài thi dễ thở hơn.
Thế nhưng, ngay khi kỳ thi qua đi, áp lực tâm lý được trút bỏ, mọi kiến thức sẽ trôi sạch bách nhanh như cách chúng bước vào não bộ của bạn. Người ta vẫn thường nói “văn ôn võ luyện”, kiến thức là thứ phải luôn trau dồi thường xuyên, có vậy bạn mới nhớ lâu, hiểu sâu và “ngấm” tác dụng của tri thức tới hệ tư duy của bạn.
6. Thử thách não bộ
Có thể ít người tin rằng video games hay những ván bài “đen đỏ” lại có thể đem đến nhiều tác dụng tích cực cho trí thông minh của người chơi. Kỳ thực, những trò chơi tư duy buộc não bộ phải hoạt động căng thẳng phục vụ thi đấu, “ăn thua” hoặc chạy đua với thời gian (Sudoku hoặc những game thuộc nhóm Strategy – chiến lược) sẽ giúp mài dũa khả năng phản ứng, độ thính nhạy và khả năng phán đoán, phân tích cho người chơi.
Trong quá trình chơi, những games hình họa màu sắc và chuyển động cũng giúp chúng ta rèn luyện cách nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ, đồng thời thấu hiểu quy luật tác động giữa hành vi và cảm xúc. Thêm vào đó, năng lực tập trung được đẩy lên cao độ khi con người “đắm chìm” trong game, vậy nên nếu biết kiểm soát mức độ “nghiện game” của mình, một chút thời gian dành cho việc chơi có thể đem đến nhiều tác dụng đối với não bộ và trí thông minh hơn ta tưởng.
7. Thiền định
Năm 1992, Đức Dalai Lama đã mời nhà khoa học Richard Davidson tới và đo sóng não của Ngài khi đang thiền định, để xem trong những giây phút toàn thân và tâm tĩnh tại đó, Ngài có thể tạo ra một trường sóng não đặc thù theo ý chí của bản thận được không.
Kết quả cho thấy khi Đức Dalai Lama và các vị thiền sư tiến hành thiền định và tập trung toàn bộ tâm trí vào tình thương và lòng nhân đạo, kết quả kiểm tra cho thấy họ đã chìm sâu vào trạng thái tâm thức vị tha quảng đại bao la.
Thiền định ngày càng được quan tâm, bởi từ nghiên cứu trên người ta phát hiện ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát các bước sóng não của chính mình và cảm thấy bất cứ điều gì chúng ta muốn cảm thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều đó có nghĩa chúng ta có thể tạo lập một trạng thái cảm xúc, tâm lý có lợi cho một mục tiêu nhất định: như là cảm thấy mạnh mẽ, tự tin trước một buổi thuyết trình hoặc “tập” cho mình thái độ cứng rắn trước khi bước vào thương thuyết.
Và khi tự chúng ta có thể điều khiến hành vi, thái độ của mình thông qua việc cân bằng và kiểm soát các cảm xúc, rõ ràng chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn, thông minh hơn, tiến tới khả năng tự quyết lấy toàn bộ vận mệnh cuộc đời.