Amazon hiện đang là tâm điểm của những luồng tranh cãi, rằng phải chăng đây là doanh nghiệp sở hữu môi trường làm việc tệ hại nhất nước Mỹ.
Hơn một tuần trước, bài viết đăng tải trên tờ Thời báo New Yorks đã trình bày nội dung của một “dự án” khảo sát riêng dành cho Amazon. Trong đó, người thực hiện tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên và cựu nhân viên từng làm việc tại các vị trí khác nhau của sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với danh tính được công bố khá rõ ràng.
Kết quả cho thấy là đại gia công nghệ này vướng phải không ít điều tiếng, từ những áp lực công việc khủng khiếp, cạnh tranh gay gắt giữa các thành viên, sự thiếu tinh tế - nhạy cảm đối với những nguyện vọng, nhu cầu và nỗi khó khăn của nhân viên cho đến rủi ro của sự đào thải khốc liệt.
Ngay lập tức, bài báo đã làm dấy lên những quan ngại về một môi trường làm việc thiếu lành mạnh và công bằng. Mặc dù sau đó, đã có một vị quản lý tầm trung của hãng phản pháo bằng một bài luận dài và chi tiết chẳng kém, khẳng định “tính nhảm nhí” của báo cáo kia và nhận được không ít ý kiến đồng tình ủng hộ, song rõ ràng, không có lửa làm sao có khói. Bất kể môi trường làm việc tại Amazon có khủng khiếp như những gì bài báo đã mô tả hay không, chắc chắn những nguyên tắc làm việc nghiêm khắc, cứng nhắc tại doanh nghiệp này đã gây nên các phản ứng tâm lý trái chiều trong nội bộ công ty cũng như trong dư luận.
Cùng tham khảo 14 nguyên tắc quản lý và làm việc dưới đây của Amazon (được công khai ngay trên website của hãng):
Những Nguyên tắc Lãnh đạo của Chúng tôi
Các nguyên tắc lãnh đạo mà chúng tôi tuân thủ không chỉ là những lời màu mè sáo rỗng, mà đích thực là tôn chỉ hoạt động của chúng tôi. Amazonian (thành viên Amazon) áp dụng chúng mỗi ngày, bất kể khi đang cùng nhau bàn thảo ý tưởng cho các dự án mới, tìm phương án giải quyết tốt nhất cho vấn đề của khách hàng, hay thực hiện phỏng vấn các ứng viên tiềm năng. Đó đích thực là điều khiến Amazon khác biệt:
“Ám ảnh” bởi khách hàng: Những người lãnh đạo luôn bắt đầu từ khách hàng và giải quyết vấn đề ngược lại từ điểm đó. Họ làm việc hăng say để thu phục và duy trì sự tín nhiệm của khách. Mặc dù luôn để mắt dõi theo các đối thủ, họ vẫn phải luôn suy nghĩ, chú tâm đến mức “ám ảnh” vì hai chữ: khách hàng.
Vai trò người làm chủ: Lãnh đạo là người chủ, luôn phải giữ tầm nhìn dài hạn và không bao giờ hy sinh những giá trị lâu bền cho những kết quả tức thời, trước mắt. Mỗi một hành động của người lãnh đạo sẽ đại diện cho toàn bộ đội nhóm, toàn bộ doanh nghiệp. Không bao giờ được nói: “Đó không phải việc của tôi.”
Phát minh và Đơn giản hóa: Người lãnh đạo có quyền đòi hỏi những điều sáng tạo, những phát minh mới lạ từ nhóm làm việc của mình, đồng thời tìm cách đơn giản hóa chúng. Họ luôn tỉnh táo, tìm kiếm ý tưởng từ khắp mọi nơi và không để mình bị giới hạn với tư duy “chưa từng có cái gì như thế”. Khi tạo ra cái mới, chúng ta chấp nhận khả năng mình sẽ bị hiểu sai trong một khoảng thời gian rất dài trước mắt.
Đúng và thường xuyên đúng: Lãnh đạo thường xuyên đúng. Họ có tư duy kinh doanh bén nhạy và bản năng tốt. Họ mang tầm nhìn đa dạng và làm việc cật lực nhằm phủ định chính những niềm tin của mình.
Tuyển dụng và phát triển người giỏi nhất: Lãnh đạo nuôi dưỡng hiệu quả hoạt động chung thông qua mỗi một vị trí được tuyển dụng và đề bạt. Họ nhận ra những tài năng xuất chúng và sẵn sàng tìm cách luân chuyển họ qua từng cấp bậc trong tổ chức. Lãnh đạo phát triển những nhà lãnh đạo, nghiêm túc thực hiện vai trò hướng đạo của mình. Chúng tôi làm việc nhằm đại diện cho các thành viên trong việc sáng tạo nên một cơ chế phát triển hiệu quả, cụ thể như chương trình Lựa chọn Sự nghiệp (Career Choice).
Cương quyết tuân theo những chuẩn mực cao nhất: Lãnh đạo không ngừng theo đuổi những tiêu chuẩn cao nhất – mặc cho kẻ khác có thể cho rằng chúng phi lý và quá gian nan. Tuy thế, lãnh đạo không ngừng nâng cao chất lượng chuẩn mực, đồng thời thúc đẩy các nhóm làm việc cho ra những sản phẩm, dịch vụ, quy trình tốt nhất. Lãnh đạo đảm bảo những khiếm khuyết sẽ không lây lan ra toàn hệ thống và các vấn đề được giải quyết triệt để.
Nghĩ lớn: Lối tư duy tủn mủn là lời nguyền của lòng tự mãn. Lãnh đạo phải sáng tạo và truyền đạt sự sáng tạo để tạo cảm hứng cho những kết quả kỳ vĩ. Lãnh đạo suy nghĩ một cách khác thường và tìm kiếm mọi khả năng giúp đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Thiên vị cho hành động: Tốc độ vô cùng có giá trị trong kinh doanh. Nhiều quyết định và hành động có thể đảo ngược và không cần cân nhắc thái quá. Chúng ta đánh giá cao những hành động liều lĩnh được tính toán thông minh.
Tiết kiệm: Hãy đạt được nhiều hơn với ít thứ trong tay hơn. Những hạn chế nuôi nấng sự tháo vát, khả năng tự cung tự cấp và năng lực phát minh, sáng tạo. Liên tục đòi hỏi tuyển thêm người, gia tăng ngân sách hay cứng nhắc với nhu cầu phí tổn không được khuyến khích tại đây.
Tò mò và học hỏi: Lãnh đạo không bao giờ ngừng học hỏi, luôn tìm cách để phát triển bản thân mình. Họ tò mò với những triển vọng mới và hành động để khám phá chúng.
Dành lấy tín nhiệm: Lãnh đạo lắng nghe chăm chú, trao đổi thẳng thắn, và tôn trọng mọi người. Họ cũng phải có thái độ tự phê bình nghiêm khắc, mặc cho việc đó khiến họ ngượng ngùng, xấu hổ ra sao. Lãnh đạo không được mờ mắt trước hào quang của thành công, mà phải luôn đối chiếu hiệu quả làm việc của bản thân và toàn nhóm với những chuẩn mực cao nhất.
Làm việc có chiều sâu: Lãnh đạo vận hành tại mọi cấp, luôn chú ý tới từng chi tiết nhỏ, kiểm tra rà soát thường xuyên và biết nghi ngờ khi phát sinh các mâu thuẫn. Không có một nhiệm vụ nào vượt ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nguyên tắc, bất đồng và cam kết: Lãnh đạo có nghĩa vụ đấu tranh trước những quyết định họ cho rằng không phải, ngay cả khi điều đó khiến họ mệt mỏi hay không thoải mái. Không thỏa hiệp chỉ vì ngại mất lòng. Có niềm tin và cả sự ngoan cố. Và một khi đưa ra quyết định của mình, phải toàn tâm toàn ý với nó.
Đem về kết quả: Lãnh đạo chú tâm vào những nguyên liệu đầu vào chủ lực và tạo nên những đầu ra chất lượng và nhanh chóng. Vượt qua mọi khó khăn trở lực, họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và không bao giờ tự hài lòng với chính mình.
Mười bốn nguyên tắc nói trên quả là không dễ gì thực hiện với những người lãnh đạo, quản lý trong bất cứ môi trường làm việc nào. Song ai dám khẳng định chúng không hợp lý hay quá đáng?
Mặc cho tốc độ thay đổi nhân sự lớn, Amazon vẫn là doanh nghiệp công nghệ đang ăn nên làm ra và có giá cổ phiếu hiện gia tăng giá trị nhanh chóng. Quý II năm 2015, Amazon gây bất ngờ với giới đầu tư và các nhà phân tích phố Wall với lợi nhuận không tưởng 92 triệu đôla Mỹ, tương ứng với 9 cent/ cổ phiếu. Tất cả là nhờ sự lên ngôi của khối sản phẩm/ dịch vụ đám mây Amazon Web Services và thị trường bên thứ ba.
Tính đến ngày 30/6 vừa qua, Amazon ghi nhận 183.100 nhân sự trên toàn cầu, tăng 18.000 người so với quý I, chưa bao gồm các lao động thời vụ và hợp đồng – phản ánh mức tăng nhân sự thường quý lớn nhất từ trước đến nay. Con số này cũng cho thấy headcount (chỉ tiêu tuyển dụng) của hãng đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái (thời điểm mới có 132.600 người).