Luôn tỏ thái độ bất hợp tác với phần còn lại của thế giới (ngoại trừ… Trung Quốc), Triều Tiên duy trì một chế độ cai trị bị xem là độc tài cùng các động thái kiểm soát kinh tế - văn hóa - xã hội nghiêm ngặt. Dễ hiểu vì sao mạng toàn cầu khi đến Triều Tiên lại không thể thực hiện trọn vẹn chức năng thông tin của nó.
Tại quốc gia này, kwangmyong là phiên bản biến thể và khép kín của Internet, với các địa chỉ website lạ và khá khác biệt. Cũng vì thế mà người dùng tại Triều Tiên khó có thể truy cập vào các địa chỉ mạng ở tầm rộng hơn.
Thêm vào đó, việc truy cập Kwangmyong hoàn toàn miễn phí, dù với tình trạng đói nghèo và thiếu hụt các dịch vụ công thì cũng chẳng mấy người sử dụng nó làm gì. Vậy nên với tổng số 25 triệu dân, chỉ có khoảng vài nghìn người sử dụng hệ thống mạng-toàn-quốc này.
Ở Triều Tiên hiện cũng chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ (ISP) duy nhất là Star Joint Venture, đơn vị liên doanh giữa Công ty Bưu chính Viễn thông quốc doanh và hãng Loxley Pacific có trụ sở đặt tại Thái Lan. Trước khi Star Joint Venture chính thức đi vào vận hành hồi tháng 12/2009, cách duy nhất để kết nối internet tại Triều Tiên là thông qua truyền dẫn vệ tinh tới nước Đức.
“Khu vực tường bao” của Bắc Triều – hay hệ thống mạng nội bộ quốc gia Kwangmyong – chủ yếu là một dịch vụ dành cho khách du lịch nước ngoài, quân đội Triều Tiên và các công dân “có điều kiện”. Một ví dụ đơn giản, bạn có thể sử dụng mạng này để tìm khách sạn, các điểm du lịch hoặc đặt vé máy bay, nhưng nếu muốn tìm kiếm thông tin về nạn đói xảy ra ở nước này vào những 90 của thế kỷ trước thì… rất tiếc, bạn không thể!
Cho dù Triều Tiên thực thi chính sách bế quan tỏa cảng đối với các thông tin bên ngoài biên giới lãnh thổ song các quan chức chính phủ nước này vẫn có thể truy cập mạng toàn cầu. Xin nhắc lại, đây là quyền lợi mà chỉ các quan chức cấp cao mới có.
Thêm vào đó, với tình trạng thiếu lương thực thực phẩm và các điều kiện điện nước tối thiểu tại nhiều vùng trên khắp cả nước, phần đông người dân Triều Tiên còn chẳng biết nước mình “có mạng”.
Và đương nhiên, đến chiếc máy tính còn là giấc mơ xa xỉ thì việc có mạng hay không quan trọng gì? Thêm vào đó, với những công dân có đủ điều kiện để sắm máy tính, họ phải đăng ký với chính phủ Bắc Triều. Hoặc, dấu nó thật kỹ!
Một khi có máy tính và được đăng ký hợp pháp (cũng như có đủ… điện để mở máy), người dùng tiếp tục phải xin phép chính quyền trước khi truy cập Kwangmyong. Nếu muốn lập tài khoản email, người dùng Triều Tiên chỉ có hai lựa chọn: một là Sili Bank (địa chỉ email xuất xứ Trung Quốc) và hai là Chesin.com. Tuyệt nhiên không có Gmail, Yahoo mail hay Outlook.
Với khách nước ngoài có cơ hội đặt chân lên ốc đảo cách biệt này thì sao? Họ sẽ có quyền truy cập mạng Internet toàn cầu cùng các dịch vụ tiện ích như email thông qua mạng di động 3G cung cấp bởi Koryolink (xin nói trước là không nhanh lắm). Cũng như Star Joint Venture, Koryolink là đơn vị liên doanh giữa công ty Global Telecom Holding của Ai Cập và doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông quốc doanh. Dịch vụ này chỉ được phép vận hành và truy cập tại thủ đô Bình Nhưỡng và 5 thành phố khác, cũng như trên các tuyến đường cao tốc và đường sắt của quốc gia này.