Trong danh sách 9 cái tên dưới đây, một số đã bị từ chối đầu tư nhiều lần, số khác thì cạn kiệt vốn và phải kêu gọi nhân viên làm… không công.
Sống sót qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp và đặc biệt là những người lãnh đạo đã vươn lên khẳng định mình, và cũng chính bởi gian khó mà thành công của họ càng có ý nghĩa lớn lao.
1. apple Inc.
Là câu chuyện “phục sinh” nổi tiếng nhất trong lịch sử công nghệ hiện đại, chắc những người Mỹ sống qua thập kỷ 80s vẫn sẽ nhớ giai thoại về một CEO bị rũ bỏ khỏi chính công ty do mình thành lập, và 12 năm sau được mời trở lại để cứu rỗi “đứa con tinh thần” đang thoi thóp. Sau khi Steve Jobs bị “truất ngôi” năm 1985, Apple chính thức rơi vào khủng hoảng với những khoản lỗ triền miên cho đến năm 1997, khi ngấp nghé bờ vực phá sản, đội ngũ lãnh đạo mới quyết định mời trở lại nhà đồng sáng lập kiêm cựu CEO của hãng. Jobs đã đem lại một làn gió mới cho Apple, thông qua việc bắt tay hợp tác với Microsoft và cho ra mắt iMac ngay trong năm sau. Phần sau của câu chuyện là điều ai cũng rõ.
2. SpaceX
Có thể xem là người em song sinh với Tesla và đều là những đứa con tinh thần của Elon Musk, cả hai công ty này từng rơi vào cảnh… thiếu tiền trầm trọng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Musk kể lại với Bloomberg: “Lúc đó, tôi phải chọn giữa Tesla và SpaceX. Cuối cùng, tôi chia đôi số tiền mình có và chọn cả hai.” Về sau, SpaceX dành được một hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với Nasa và “sống sót” với giấc mơ chinh phục vũ trụ.
3. Tesla Motors
Sau khi SpaceX “thoát chết” với hợp đồng cùng Nasa, đến lượt Tesla gặp khó. Thời điểm gian nan nhất là khi SpaceX chưa có lối thoát, còn Tesla thì tiêu tốn mỗi tháng 4 triệu đô, và Musk đã đánh liều “lấy trộm” 20 triệu đô của SpaceX để “nuôi” Tesla, với hi vọng rằng SpaceX sẽ sớm dành được hợp đồng đắt giá để… bù lại. May cho elon musk là những tiên liệu của ông đã trở thành sự thực. Cũng nhờ 20 triệu đô mà Tesla đã “thoát chết” trong gang tấc.
4. Airbnb
Công ty tìm kiếm và cho thuê nhà ở Airbnb được thành lập vào năm 2008 bởi ba người bạn chung ý tưởng cho thuê… đệm hơi. Trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến từ những khoản nợ xấu và bong bóng nhà đất, Airbnb quả thực là một ý tưởng điên rồ. Brian Chesky, một trong những sáng lập viên, không tài nào thuyết phục được các quỹ đầu tư mạo hiểm chi tiền cho doanh nghiệp non trẻ của mình và phải “húp cháo cầm hơi” (đúng nghĩa đen) cho đến khi nhận được cái gật đầu của quỹ khởi nghiệp Y Combinator. Có ai ngờ sau 7 năm, Airbnb hiện nằm trong danh sách các công ty tỷ đô, với giá trị thị trường hiện vào khoảng 25,5 tỷ USD.
5. Blogger
Evan Williams là người làm nên khái niệm “blog” khi chính thức thành lập Blogger vào năm 2000. Tuy nhiên Williams lại không tuân theo một mô hình kinh doanh cụ thể nào, bởi vậy chỉ trong một năm, trang blog lâm vào tình trạng hết tiền và đành phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. Còn lại một mình, Williams cố gắng duy trì sự sống cho Blogger trong khi tìm cách gây vốn để biến đứa con tinh thần của mình trở thành một công ty thực thụ. Cuối năm 2002, Blogger lọt vào mắt xanh của Google và được mua lại với giá 50 triệu USD. Mười ba năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó và Blogger hiện vẫn “sống khỏe”, còn chủ nhân Williams cũng ăn nên làm ra và thành lập thêm 2 công ty nữa là Twitter và Medium (hẳn là ông đã biết cách xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả hơn xưa).
6. Evernote
Evernote hiện là một trong những ứng dụng ghi chú rất được ưa thích hiện nay, song ít ai biết rằng 7 năm trước đây, nhà sáng lập Phil Libin đã từng có quyết định giải tán công ty và đóng cửa ứng dụng Evernote. Thế nhưng, trước “ngưỡng cửa tử”, Evernote nhận được khoản đầu tư trị giá 500.000 USD đến từ một người Thụy Điển yêu thích sản phẩm này và không muốn nó sụp đổ dễ dàng như thế. Nhờ “gói cứu trợ” kịp thời mà Evernote đã tồn tại và phát triển cho tới hôm nay, hiện được định giá ở mức 1 tỷ đôla Mỹ.
7. Pandora
Được thành lập vào năm 1999 bởi Tim Westergren, Pandora đã huy động được chút ít vốn liếng ngay trước khi thời điểm bong bóng dot-com sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi số tiền này được giải ngân hoàn toàn, Pandora thực sự gặp khó, bởi Westergren không thể tìm thấy bất cứ một nhà đầu tư nào chịu mở hầu bao trong số 300 quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc, nhưng tình hình đã có bước xoay chuyển tích cực khi Pandora cầm cự đến thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2011.
8. Intuit
Năm 1985, Intuit cạn kiệt các nguồn tài chính và không ghi nhận được chút doanh thu nào. Công ty bắt đầu sa thải nhân viên và trả lại các trang thiết bị cũng như máy tính thuê mượn. Tuy nhiên, một số nhân viên tâm huyết vẫn nỗ lực bám trụ cùng doanh nghiệp, cuối cùng, họ cũng đợi được thời điểm sản phẩm Quickbooks thu hút sự chú ý của thị trường và đem về doanh thu, lợi nhuận khả quan.
9. IBM
Đầu thập kỷ 90, IBM rơi vào suy thoái và đã lên kế hoạch chia tách doanh nghiệp thành nhiều đơn vị vận hành nhỏ. Ngày cá tháng tư năm 1993, Lou Gerstner tiếp quản một IBM đang xuống sức và bất ngờ làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục trong lịch sử làng công nghệ: sau khi thực hiện giảm biên chế quy mô lớn và tự gây vốn thông qua việc bán các tài sản sở hữu doanh nghiệp, tình hình tài chính của công ty chip điện tử hàng đầu thế giới dần ổn định, không cần đến biện pháp chia tách kia nữa. Lou Gerstner, thay vì chia rẽ tập thể, đã thống nhất IBM về một mối và đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, tiếp tục tồn tại và phát triển cho tới ngày hôm nay.