Đây có thể xem như một phát hiện đột phá của ngành khoa học khám phá vũ trụ, bởi lâu nay, con người vẫn mong mỏi một dấu hiệu sự sống, dẫu rằng nhỏ nhoi, trên hành tinh đỏ.
Ngay thứ 2 đầu tuần giờ Mỹ (tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), NASA chính thức tuyên bố: họ đã tìm thấy các mạch chảy trên bề mặt sao hỏa chính là nước muối dạng lỏng.
Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ đối với các nhà khoa học đặt niềm tin vào sao Hỏa. Kỳ thực, đây là lần đầu tiên con người tìm thấy mạch chảy lỏng trên bề mặt của một hành tinh ngoài Trái Đất, và cũng là bằng chứng thuyết phục nhất nâng đỡ cho giả thuyết về sự sống khả sinh trên sao Hỏa.
Hòa chung niềm vui với các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ, Google đã ngay lập tức trình làng Doodle về em bé sao Hỏa đáng yêu được "thỏa cơn khát nước".
Đặc biệt, phát hiện chấn động này không chỉ mở ra hy vọng về sự sống trên một hành tinh thuộc giải ngân hà, mà chắc chắn sẽ còn tạo đà cho những cuộc viễn thám của con người lên sao Hỏa.
Tại sao “nước dạng lỏng” lại có ý nghĩa đến thế?
Tại sao những mạch chảy mơ hồ và đơn lẻ lại có thể khiến NASA “nháo nhác”. Theo Jim Green, Giám đốc Phòng khoa học nghiên cứu hành tinh tại Trụ sở NASA: “Khám phá củng cố rõ ràng về việc sao Hỏa có những tài nguyên hữu ích phục vụ các nhà du hành vũ trụ”, tức là trong tương lai, thế giới có thể gửi các nhà du hành tới hành tinh Đỏ, nơi họ có thể sinh hoạt và nghiên cứu mà không quá phụ thuộc vào các nguồn nhu yếu phẩm mang theo từ “đất mẹ”.
Đặc biệt, nước trên sao hỏa giúp “giảm chi phí hành trình và tăng hiệu năng cho các hoạt động viễn thám của con người trên hành tinh này”, dẫn lời Mary Beth Wilhelm, thành viên của Trung tâm nghiên cứu NASA tại Moffett Field, Ames, Iowa.
Cụ thể, nước dạng lỏng phục vụ:
+ Nhu cầu nước uống
+ Sản sinh khí oxy
+ Tham gia trong thành phần hoạt động của các tên lửa đẩy giúp đưa các phi hành gia từ hành tinh Đỏ trở về “nhà”.
NASA đã tìm thấy nước như thế nào?
Trước đó, một nhóm các nhà khoa học đã miệt mài phân tích các mẫu vật cung cấp bởi Tàu Trinh sát Quỹ đạo Sao Hỏa (MRO) trong một thời gian dài. Các mẫu vật chứa khoáng này được lấy từ những triền/ đụn cát nhô lên trên bề mặt hành tinh và tại ba khu vực riêng biệt.
Kết quả cho thấy các mẫu khoáng vật là một dạng vật chất muối, perchlorates của canxi và các phân tử nước cứng thể pha lê. Điều này cho thấy nước trên sao Hỏa ở dạng nước muối và không tinh khiết.
Dựa vào đó, các nhà khoa học cho rằng những dòng nước muối nhỏ đã chảy xuôi theo địa hình đồi không bằng phẳng trên bề mặt hành tinh đỏ trong suốt thời kỳ mùa hè ấm áp, với nền nhiệt có thể lên tới 21 độ C quanh trục xích đạo.
Chính thứ nước này đã tạo nên các vệt đen chảy dài trên những đụn cát ở sao Hỏa.
“Nước đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu hình thành địa chất tại đây”, theo lời Lujendra Ojha, giáo sư đến từ Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia tại Atlanta. Đáng chú ý là từ năm 2011, Ojha đã từng có bài đăng trên chuyên trang công nghệ The Verge với tựa: “Khả năng có dòng nước muối chảy trên bề mặt sao Hỏa”.