Có 3 nguy cơ chính đe dọa tới tuổi thọ của linh kiện điện tử: sốc vật lý (lực tác động), độ ẩm và xung tĩnh điện. Hãy cùng lần lượt điểm qua 3 mối đe dọa này và cách phòng chống.
Lực vật lý
Chống va đập cho linh kiện điện tử là điều dễ dàng nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ tuổi thọ cho linh kiện. Bạn không nên đặt ổ cứng hay các linh kiện cũ ở vị trí cao, dễ rơi như trên giá sách hoặc trên cạnh bàn.
Bạn cũng phải phòng tránh các hư hại nhỏ, khó nhận biết khác. Việc đặt linh kiện trong hộp cứng có thể khiến bề mặt bên trong của hộp tiếp xúc với mạch điện tử gây hư hại bo mạch. Do đó, bạn cần sử dụng các loại hộp kín, có bề mặt không quá cứng và đặt các hộp đựng này ở các vị trí an toàn, tránh va đập. Bạn có thể sử dụng thêm xốp hơi hoặc xốp thường để giảm lực va đập.
Xung tĩnh điện
Trong mùa khô, độ ẩm có thể xuống thấp và hiện tượng xung tĩnh điện có thể xảy ra. Có thể, bạn đã từng thấy áo len của mình… lóe sáng khi miết tay trên áo. Hiện tượng này xảy ra do xung tĩnh điện.
Túi chống tĩnh điện
Các linh kiện điện tử đặc biệt nhạy cảm với xung tĩnh điện. Trong thời tiết quá khô hanh, chỉ cần chạm vào thiết bị điện tử là bạn có thể làm hỏng chúng hoàn toàn do xung tĩnh điện phát ra từ bàn tay.
Để chống xung tĩnh điện, bạn có thể mua các túi đựng chống tĩnh điện hoặc hộp chống tĩnh điện, giống như loại được một số nhà phân phối linh kiện sử dụng.
Chống ẩm
Túi hút ẩm
Khả năng linh kiện điện tử bị hư hại bởi độ ẩm cao ở các vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam là rất lớn. Bạn nên đặt linh kiện trong các loại hộp, ngăn bàn hoặc tủ đựng khô ráo, ít tiếp xúc với không khí bên ngoài. Đây là cách đơn giản và dễ dàng nhất để chống ẩm . Quan trọng nhất, hãy mua các gói hút ẩm hoặc thậm chí là các máy hút ẩm nhỏ và đặt bên trong không gian lưu trữ.
Sử dụng hộp của nhà sản xuất
Có một điều rất dễ nhận thấy là không một nhà sản xuất nào muốn đổi trả các linh kiện hỏng hóc chỉ đơn giản là do đóng gói không cẩn thận trước khi xuất xưởng. Bởi vậy, họ đã tìm ra cách tốt nhất để bảo quản cho linh kiện của mình.
Do đó, bạn nên giữ lại các hộp, túi đựng đi kèm với linh kiện của mình. Ví dụ, trong hình trên, ổ cứng được đặt trong túi chống tĩnh điện và trong hộp chống tĩnh điện do nhà sản xuất sử dụng khi phân phối. Hộp đựng sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn, bởi hộp có thể chống va đập tốt hơn túi đựng.
Tương tự như vậy, ram và cpu cũng thường được đặt trong hộp gập bằng nhựa có thể chống tĩnh điện và chống va đập ở mức độ tương đối. Bo mạch chủ và card đồ họa nên được đặt trong các túi chống tĩnh điện, có thể được đệm ngoài bằng một lớp xốp hơi, và cuối cùng là một hộp các-tông.
Nói tóm lại, sau đây là những gì bạn cần làm, bất kể là bạn còn giữ hay không còn giữ lại các túi đựng và hộp của nhà sản xuất:
- Đặt linh kiện trong túi chống tĩnh điện (hoặc hộp chống tĩnh điện).
- Bọc ngoài một lớp đệm xốp, hoặc xốp hơi. Sau đó đặt vào trong hộp các-tông.
- Đặt gói hút ẩm hoặc máy hút ẩm vào trong hộp đựng.
- Cuối cùng, sắp xếp các linh kiện này trong ngăn kéo tủ sách hoặc trong tủ đựng. Cố gắng lựa chọn vị trí ít bị di chuyển.
Theo HTG
Có thể bạn quan tâm: