Chắc chắn nhiều người dùng di động ở Việt Nam đã ghen tị với những thông tin dạng như: dân Mỹ được mua iPhone không mất tiền, ở Nhật chỉ cần ký hợp đồng sử dụng dịch vụ của nhà mạng sẽ được cho không điện thoại hay gần hơn, người Trung Quốc được mua Xiaomi cấu hình ngang S6, giá bằng 1/2. Câu chuyện cổ tích này sẽ có ở Việt Nam, NẾU:
Có các giải pháp đánh giá uy tín người mua
Ở nước ngoài, thông tin người mua được quản lý một cách rất minh bạch và chuyên nghiệp. Họ có hệ thống đánh giá độ độ tin cậy của từng cá nhân qua đó có chính sách, mức lãi suất, hạn mức vay cho từng người. Hệ thống bán đồ điện tử cũng vậy. Nói một cách dễ hiểu nếu các bạn có hành vi trục lợi, gian dối mà hãng nghĩ không cần đến mức phải đem đi kiện, họ sẽ cho bạn vào blacklist và cuộc sống công nghệ của bạn sẽ trở nên rất khó khăn.
Để có được hệ thống này, đó không phải việc của riêng cửa hàng công nghệ nào mà nó cần sự chung tay của cả hệ thống. Tất nhiên, nhân tố quan trọng nhất ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước. Một hệ thống cung cấp thông tin quản lý người dùng là thứ thiết yếu. Ngoài ra, cũng chỉ có các cơ quan quản lý mới có đủ khả năng đứng ra điều hành mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia hệ thống.
Một thị trường không dùng phần mềm lậu
Lý do mà rất rất nhiều các NSX bán phần cứng của họ với giá rất rẻ là để phát triển thị trường, qua đó, bán và thu lợi rất nhiều từ việc kinh doanh phần mềm, nội dung số và các sản phẩm bổ trợ. Tuy nhiên, con đường kinh doanh này ở Việt Nam hoàn toàn không khả thi.
Chưa cần nói đến cách kiếm lời qua phần mềm - thứ vốn đa số là lậu, ở Việt Nam, ngay cả những công ty bán... máy in như HP cũng không thể "sống" với chính sách này. Nếu như ở Mỹ, HP bán máy in giá rất rẻ - gần như cho không sau đó bán mực in để thu lại lợi nhuận thì ở Việt Nam, việc "bán mực" của họ gần như "chết" khi đa phần người dùng sử dụng các dịch vụ bơm mực với giá rẻ hơn rất nhiều.
Chính vì vấn nạn vi phạm bản quyền này mà gần như chắc chắn chúng ta không có cơ hội được sử dụng các sản phẩm phần cứng với giá rẻ.
Sự sẵn sàng của các nhà mạng
Đối tượng chính trong hoạt động phân phối và "tặng không" máy thường là các nhà mạng. Chi phí dành cho phần cứng này sẽ được họ tính toán vào hợp đồng sử dụng viễn thông và đôi khi được coi như chi phí phát triển khách hàng mới. Cũng chỉ có nhà mạng là đối tượng khả dĩ và quan trọng nhất để có thể triển khai dịch vụ này.
Trong số 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam, đến nay đã có hai nhà mạng bán iPhone chính hãng. Chính sách giá và các gói cước của họ có nhiều điểm tương đồng với các gói cước miễn phí điện thoại ở nhiều thị trường phát triển. Tuy nhiên, điểm khác nhau là ở Việt Nam khách hàng phải thanh toán đầy đủ trước khi nhận được các ưu đãi cũng như gói cước.
Và văn hóa, ý thức người dùng
Thật ra những vấn đề như nhà phân phối, cách giải quyết và dòng tiền có thể giải quyết dễ dàng trong một thị trường có đầy đủ sự tin cậy. Bởi hình thức kinh doanh này, cho dù giải quyết tốt vấn đề tài chính thì sự rủi ro vẫn rất cao.
Rủi ro ở đây đến phần lớn từ ý thức khách hàng. Các doanh nghiệp nước ngoài gặp không ít trường hợp khách hàng ngang nhiên hủy ngang hợp đồng giữa chừng. Tuy nhiên, họ có những hệ thống hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ (đánh giá sự tin cậy của khách hàng) và ý thức chung của khách hàng các nước phát triển về những vấn đề này tốt hơn nhiều. Ở Việt Nam, mọi thứ không dễ dàng như thế.
Kết
Thị trường Việt Nam là một thị trường khác biệt, ngay cả ở những sản phẩm thông thường. Có những cách thức phân phối sản phẩm cho dù tốt cho tất cả các bên nhưng dò nhiều lý do vẫn chẳng thể triển khai được ở thị trường trong nước. Và thế là, chúng ta đành chờ đợi.