Các nhà khoa học tại Đại học Southampton, Anh, đã thực hiện được một bước tiến lớn trong việc phát triển các nguồn lưu trữ dữ liệu số, có khả năng tồn tại hàng tỉ năm, thậm chí là vĩnh viễn.
Cận cảnh 1 chiếc đĩa lưu trữ dữ liệu 5D. (Ảnh: southampton.ac.uk)
Bằng cách sử dụng một loại kính được chế tạo bằng công nghệ nano , các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Quang điện tử học của Đại học Southampton đã sử dụng tia laser tần số cao (có tên femtosecond laser, vốn được dùng trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ mắt) để ghi chép lên đó các khối dữ liệu 5D có dung lượng khổng lồ.
Các tia femtosecond laser sẽ bắn ra những xung ánh sáng cực ngắn và mạnh, nén khối dữ liệu trong 3 lớp chấm cấu trúc nano cách nhau 5 micrometre (tức 0.005mm). Nội dung trên đĩa được đọc bằng một chiếc kính hiển vi quang học và một chiếc kính phân cực.
Theo đó, loại đĩa tí hon này có dung lượng lớn chưa từng thấy trước đây, chứa được khối dữ liệu lên đến 360TB (terabyte), tức 360.000GB (gigabyte), có khả năng chịu nhiệt lên đến 1.000°C, và tồn tại vô hạn định ở nhiệt độ phòng (tức có tuổi thọ 13,8 tỉ năm nếu ở nhiệt độ 190°C).
Quy trình ghi dữ liệu lên đĩa bằng femtosecond laser. (Ảnh: southampton.ac.uk)
Công nghệ này ban đầu được đưa ra thử nghiệm vào năm 2013, khi một file text có dung lượng 300KB (kilobyte) được lưu trữ thành công ở định dạng 5D. Giáo sư Peter Kazansky của Đại học Southampton cho biết:
“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi biết rằng mình đã tạo ra được loại công nghệ giúp gìn giữ các tài liệu và thông tin và lưu trữ chúng cho các thế hệ tương lai. Công nghệ này có thể bảo vệ bằng chứng cuối cùng của nền văn minh nhân loại, tất cả những gì chúng ta đã học được sẽ không bị lãng quên.”
Toàn bộ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được lưu trữ 5D thành công. (Ảnh: southampton.ac.uk)
Công nghệ này đã mở ra một kỉ nguyên mới trong việc lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn. Với tính năng hoạt động bình ổn, an toàn và tiện lợi, chiếc đĩa dữ liệu này vô cùng có ích cho những tổ chức có cơ sở dữ liệu lớn, chẳng hạn các viện lưu trữ dữ liệu quốc gia, bảo tàng, thư viện… để lưu giữ thông tin và các ghi chép trong một khoảng thời gian dài.
Hiện tại, một số tài liệu quan trọng về lịch sử nhân loại đã được lưu trữ dưới dạng số, có thể tồn tại cả trong trường hợp loài người diệt vong, chẳng hạn bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cuốn Opticks của Isaac Newton (phân tích bản chất của ánh sáng, được xem là một trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học), Đại Hiến chương Magna Carta (một Hiệp ước hòa bình từ thời Trung cổ), và cuốn Kinh Thánh bản tiếng Anh của Kings James.